Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia khẳng định, việc sửa đổi Luật Công chứng lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng...

Sáng 25/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia góp ý hoàn thiện quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trường hợp miễn nhiệm công chứng viên, công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn, việc xuất trình bản sao có chứng thực.

Toàn cảnh phiên thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc sửa đổi Luật Công chứng lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng.

ĐBQH Trần Đình Gia tham gia thảo luận.

Quan tâm về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, tại điểm e khoản 1 Điều 7 quy định cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình là chưa phù hợp. Luật Quảng cáo quy định quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng cũng đang khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch.

Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân hiểu biết về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin; đặc biệt ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập; góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định này.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 về công chứng viên bị miễn nhiệm trong trường hợp “không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên kể từ ngày được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên…” là chưa phù hợp. Đại biểu nhấn mạnh, thực tế vẫn có trường hợp công chứng viên hợp danh không ký văn bản công chứng, chứng thực hoặc ký rất ít để đối phó. Do đó, đề nghị xem xét, quy định tiêu chí đánh giá việc hành nghề liên tục theo hướng quy định tỷ lệ 15-20% hồ sơ công chứng/chứng thực giữa các công chứng viên; trường hợp công chứng viên không đáp ứng tiêu chí hành nghề thì đề nghị đưa vào trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên.

Về công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn, tại khoản 1, Điều 39, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị giữ nguyên thành phần hồ sơ công chứng “Phiếu yêu cầu công chứng” như quy định hiện hành. Đại biểu phân tích phiếu yêu cầu là căn cứ đầu tiên để phát sinh nội dung yêu cầu công chứng; người tiếp nhận sẽ nắm bắt nhanh yêu cầu, từ đó việc tiếp nhận và hướng dẫn thủ tục của công chứng viên sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đồng thời hồ sơ công chứng có giá trị lưu trữ lâu dài, thuận tiện trong lưu trữ, kiểm soát thành phần hồ sơ.

Tại khoản 7, Điều 39, đại biểu đề nghị bỏ quy định đối với việc xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân và các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, vì thực hiện công chứng thì công chứng viên phải xem xét, đối chiếu giấy tờ trong hồ sơ và nhận dạng người yêu cầu công chứng khi tham gia giao dịch.

Phát biểu về công chứng văn bản phân chia di sản, tại khoản 2, Điều 56, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc chuyển nhượng”, thành “Những người thừa kế có thể thoả thuận việc một hoặc một số người thừa kế tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền hưởng toàn bộ hoặc một phần di sản của mình cho một hoặc một số người thừa kế khác” nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí cho người dân.

Ngoài ra, đại biểu Trần Đình Gia nêu khoản 6 quy định thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản tại các khoản 3, 4, 5 của điều này cũng áp dụng đối với trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mà chỉ có 1 thừa kế. Tuy nhiên, trường hợp có 1 người thừa kế mà làm văn bản phân chia di sản sẽ không phù hợp. Do đó, đề nghị giữ nguyên quy định hình thức khai nhận di sản như luật hiện hành.

Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói