Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, các đại biểu thống nhất việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định rõ mối quan hệ giữa kế hoạch sử dụng đất, căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch; rà soát tiêu chí, điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo đảm chặt chẽ, khoa học; quy hoạch không gian ngầm tổng thể, toàn diện; tổ chức quản lý quy hoạch; cung cấp thông tin quy hoạch; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ, liên thông về quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn.
Về Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu cho rằng, việc ban hành quy phạm về địa chất và khoáng sản một cách hệ thống và đồng bộ trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.
Đề nghị quy định chi tiết đối tượng và điều kiện được phép chuyển nhượng, tránh trục lợi chính sách; trách nhiệm công bố, sử dụng kết quả điều tra tai biến địa chất, địa chất công trình; căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên mới hoặc khoáng sản đa kim; phương thức quyết toán; chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền khai thác khoáng sản; tiêu chí, điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; trách nhiệm bảo đảm đời sống của người dân bị thu hồi đất, sự cố môi trường do hoạt động khoáng sản.
Thảo luận về Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tập trung tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch; làm tốt quy hoạch cần gắn với bảo vệ quy hoạch; xây dựng tầm nhìn, chiến lược, bền vững, phân bổ không gian phát triển đô thị, nông thôn phù hợp; giữ gìn cảnh quan, nét đẹp văn hóa nông thôn; phân định rõ vị trí, vai trò của các loại cấp độ quy hoạch, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực;
Quản lý, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn; cải cách thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch; bố trí kịp thời kinh phí cho hoạt động quy hoạch; làm rõ đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến; bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch tổng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian.
Về Luật Địa chất và khoáng sản, đồng chí Trưởng đoàn và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị hoàn thiện các quy định về phân nhóm khoáng sản tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí; xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập trong quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng vật liệu; làm rõ nguyên tắc điều tiết khoản thu giữa Trung ương và địa phương. Quy định rõ thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản, tránh phát sinh “giấy phép con”; tách rõ thời hạn khai thác và thời gian đóng cửa mỏ.
Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý khai thác tài nguyên; chú trọng công nghệ khai thác; hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; chú trọng bảo vệ danh lam thắng cảnh; bảo vệ tài nguyên - khoáng sản chưa khai thác; đảm bảo tính khả thi trong phục hồi môi trường đóng cửa mỏ; tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội.