Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ 16.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ

Các tổ thảo luận về nội dung: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại Tổ 16 cùng các tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ.

Nỗ lực chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH cơ bản thống nhất nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngân sách nhà nước năm 2023. Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, khó khăn nhưng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực dành được những kết quả đáng ghi nhận.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Đại biểu đoàn Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ.

Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 dự kiến đạt 5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn; giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy; chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt. Các công trình, dự án hạ tầng quốc gia quan trọng được đẩy nhanh tiến độ. Toàn quốc đã đưa vào sử dụng 1.729 km đường cao tốc, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Chú trọng phát triển văn hóa bền vững. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt kết quả nổi bật.

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế như: cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; một số lĩnh vực năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh có hạn chế, năng suất lao động chưa cao; sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; giải ngân đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác quy hoạch chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; doanh nghiệp hoạt động còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu cho rằng, xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn chưa theo kịp xu thế phát triển, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục. Chưa kịp thời hoàn thiện thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Kết quả thực hiện một số chính sách Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt yêu cầu; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa bền vững; thực hiện giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Triển khai nhanh, hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận.

Các đại biểu đề nghị cần tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường quốc tế để xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các cơ chế, chính sách sau khi được ban hành. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số.

Các đại biểu đề nghị thực hiện hiệu quả, hoàn thành cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập. Hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu thương mại và du lịch trong nước. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống lại các trường đại học, tập trung định hướng nghề nghiệp. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Các đại biểu đề xuất cần chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ lĩnh vực văn hóa; khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy sự chủ động, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo chiều sâu văn hóa

Phát biểu tại tổ, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ sớm trình phương án về Dự án khai thác quặng mỏ sắt Thạch Khê theo hướng dừng khai thác, vì hiện nay, dự án ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân vùng dự án.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận 16 đánh giá: Chính phủ đã có sự điều hành linh hoạt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn, đã chủ động và quyết liệt đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể, qua đó giúp nền kinh tế từng bước vượt qua thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận 16 phát biểu tại buổi thảo luận.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng bày tỏ băn khoăn về: công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa thực sự tâm huyết; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa thực sự chú trọng đến xây dựng văn hóa, chiều sâu văn hóa; chuẩn mực văn hoá, thuần phong mỹ tục chưa được bảo vệ tốt, còn có sự lệch chuẩn trong đạo đức xã hội; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa hiệu quả; giáo dục các bậc học chưa rõ lộ trình; xã hội hoá trong giáo dục chưa có giải pháp cụ thể; các trường đại học địa phương hoạt động khó khăn.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần” nhưng chưa đề ra các giải pháp đủ mạnh để phát triển, chấn hưng; khai thác các giá trị về sản phẩm văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du chưa được quan tâm đúng mức.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Tổ trưởng Tổ thảo luận đề xuất, cần quan tâm công tác an sinh xã hội, nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng ở cơ sở; xây dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, viên chức một cách thực chất hơn.

Bộ Nội vụ cần tham mưu điều chỉnh Nghị định 140/2017/NĐ-CP phù hợp với thực tiễn để tăng cường thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cho các địa phương; giao thu - chi ngân sách nhà nước năm 2024 cần chia sẻ khó khăn, bổ sung cân đối cho các địa phương; tập trung cao công tác đào tạo, bồi dưỡng, chọn lựa đội ngũ cán bộ tâm huyết trách nhiệm, có khát vọng cống hiến; triển khai các nhiệm vụ đảm bảo thực chất, không vì bệnh thành tích; thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết liên quan đến hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định. Tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan tới chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương đánh giá lại và khắc phục tình trạng già hóa dân số, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.