Xung kích phát triển kinh tế hộ

(Baohatinh.vn) - Gần đây, khi nhắc tới những cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CBCNVC-LĐ), người ta không chỉ nghĩ tới những công bộc phục vụ nhân dân hay những người làm công ăn lương mà còn nghĩ tới những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình...

Kỳ thực, đội ngũ CBCNVC-LĐ Hà Tĩnh nhà đã và đang phát huy vai trò xung kích, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ngành nghề, xây dựng các mô hình kinh tế điểm và đưa các tiến bộ KHKT, các loại giống mới vào sản xuất.

Nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Ảnh: Văn Bảy
Nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Ảnh: Văn Bảy

Thượng Lộc là xã khó khăn của huyện Can Lộc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp mang tính thuần túy và nhỏ lẻ, tư duy làm kinh tế còn hạn chế nên công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cấp ủy và chính quyền nơi đây đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ, thậm chí giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Chỉ mấy năm gần đây, địa phương này đã có 8 cán bộ xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, gà, kinh doanh xăng dầu, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và con số này đang có dấu hiệu tăng nhanh. Các mô hình này cùng với một số mô hình điểm của nhân dân đã tạo nên những “cú hích”, những bước đột phá mới trong tư duy làm kinh tế và nếp nghĩ, cách làm của người nông dân.

Từ những người đi trước và được chính quyền địa phương tạo điều kiện nên người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư SXKD, ứng dụng thành công các tiến bộ KHKT, đưa những loại giống mới cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên vào sản xuất. Vì vậy, đến nay, toàn xã có tới 230 hộ có các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, SXKD quy mô vừa và nhỏ. Đến thời điểm này, mức doanh thu của các mô hình do cán bộ xã làm chủ từ 50-150 triệu đồng/năm, còn các mô hình do nhân dân làm chủ thì lên tới 400-500 triệu đồng/năm, GQVL tại chỗ cho hàng trăm lao động.

Cũng giống như nhiều cán bộ cơ sở khác đang công tác ở các xã, phường, thị trấn ở Cẩm Xuyên, anh Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng đã thể hiện sự xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ở cơ quan, anh Hùng là một cán bộ năng nổ, luôn gương mẫu trong công tác và sẵn sàng nhận, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Người cán bộ này cũng là một trong số nhân tố điển hình nhất ở Cẩm Xuyên trong phát triển kinh tế.

Dù SXKD gặp nhiều khó khăn, luôn biến động, nhưng với lợi thế của một địa phương miền biển, sự quan tâm của chính quyền và quyết tâm của bản thân, anh đã thành lập, phát triển thành công HTX Chế biến thủy hải sản Thu Hùng. Ngoài buôn bán các loại thủy hải sản, cơ sở sản xuất này mỗi năm chiết xuất khoảng 7-10 ngàn lít nước mắm chất lượng cao, được đăng ký thương hiệu, mã vạch, quy chuẩn với tổng mức doanh thu khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất của anh không chỉ tạo việc làm cho khoảng 10-20 lao động nữ mà còn liên kết với 6 tàu thuyền để thu mua sản phẩm và bình ổn giá cho ngư dân trên địa bàn, góp phần đảm bảo việc làm cho hàng chục ngư dân để họ yên tâm bám biển...

Tuy chưa phải là những điển hình, nhưng đây là 2 trong số 152 địa chỉ CBCNVC-LĐ có mô hình kinh tế phát huy hiệu quả mà chúng tôi và may mắn được tiếp cận. Và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, hầu như ở ngành nghề, địa phương, lĩnh vực công tác nào cũng xuất hiện những CBCNVC-LĐ tham gia xây dựng mô hình kinh tế, trong đó nhiều nhất là: Thạch Hà, Hương Sơn, Can Lộc... Các mô hình này đều có sức lan tỏa lớn; cá biệt có những người đầu tư xây dựng quy mô, doanh thu mỗi năm từ 2-4,5 tỷ đồng và lợi nhuận hàng trăm triệu đồng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast