Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

(Baohatinh.vn) - Theo dự tính, khi thiết bị đạt 100% công suất sẽ mang lại lãi ròng gần 5,4 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp Hà Tĩnh.

Để nâng cao giá trị hạt gạo, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Hà Tĩnh đã tiên phong, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làm từ gạo như cốm, trà gạo lứt, sữa gạo… Thậm chí, nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến hạt gạo trở thành… sữa.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

Chế biến sâu sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp.

Đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, trong đó có hạt gạo. Nhận thức điều này, Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát (Công ty An Phát - xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) chú trọng vào lĩnh vực chế biến gạo trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo định hướng đó, năm 2019, Công ty An Phát quyết định đầu tư mua bản quyền giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa (Nghệ An) để sản xuất gạo và các sản phẩm từ gạo lứt. Cùng thời điểm này, doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân tại xã Tân Dân và xã Hòa Lạc (huyện Đức Thọ) để sản xuất lúa theo hình thức bao tiêu sản phẩm (50 ha). Đặc biệt, An Phát đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, chế biến sâu sản phẩm từ gạo.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

Gạo lứt Vĩnh Hòa là gạo thảo dược, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Giám đốc Công ty An Phát Lê Văn An cho biết, đến nay, An Phát có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường như: Bột dinh dưỡng Omega; Bột ngũ cốc Omega; Trà gạo lứt Omega; Trà gạo lứt Omega túi lọc; Cốm gạo lứt Omega An Phát cháy tỏi; Cốm gạo lứt Omega An Phát rong biển…

Tính ra, mỗi tháng, công ty tiêu thụ khoảng 40 tấn gạo (trong đó 45% là sản phẩm chế biến sâu). Dù mới chỉ bước đầu hoạt động trong lĩnh vực này, song doanh thu 3 tháng cuối năm 2019 của công ty đạt 1,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

Những sản phẩm chế biến sâu lúa, gạo được người dân, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.

Cũng là một doanh nghiệp năng động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến lúa gạo, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh quyết tâm nghiên cứu, đầu tư công nghệ để biến hạt gạo Hà Tĩnh trở thành… sữa.

Để thực hiện ý tưởng này, năm 2019, công ty triển khai đề tài khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao J02 và Bắc Hương 9 theo chuỗi liên kết tại Hà Tĩnh” để xây dựng vùng nguyên liệu. Tiếp đó, năm 2020, công ty triển khai dự án “Ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm bột sữa gạo J02 tại Hà Tĩnh”.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

Công ty KC Hà Tĩnh đang sở hữu dây chuyền chế biến gạo với công suất thiết kế 25.000 tấn sản phẩm/ năm.

Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Khánh Tùng, các sản phẩm chế biến từ gạo lứt (bột sữa gạo, bột dinh dưỡng trẻ em từ 4 - 12 tháng tuổi, trà gạo lứt, cơm cháy…) là những sản phẩm tiên phong cho việc áp dụng chế biến sâu các sản phẩm từ hạt lúa tại Hà Tĩnh. Dự kiến đến cuối năm 2020, công nghệ sản xuất sẽ được hoàn thành lắp đặt, triển khai sản xuất thử nghiệm và cho ra những sản phẩm đầu tiên.

Công ty dự kiến sẽ nhận chuyển giao công nghệ sản xuất 50 tấn thành phẩm/năm từ Công ty TNHH Thực phẩm hữu cơ Việt Nam. Theo dự tính, so với sản xuất và bán gạo thành phẩm, giá trị gia tăng khi chế biến sâu là rất lớn. Khi thiết bị đạt 100% công suất sẽ mang lại lãi ròng gần 5,4 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, người dân tham gia liên kết, sản xuất giống lúa J02 (giống thuần Nhật bản) sẽ thu lợi nhuận tăng thêm 10 triệu đồng/1 ha so với sản xuất các giống lúa khác.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ chế biến gạo thành… sữa

Để có nguồn nguyên liệu chất lượng, các doanh nghiệp chế biến sâu thực hiện liên kết theo hướng bao tiêu sản phẩm với người nông dân với cam kết giá mua cao hơn thị trường.

Từ thực tiễn cho thấy, ứng dụng công nghệ cao là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp. Trong lĩnh vực lúa gạo, chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay không chỉ giới hạn trong phạm vi sản xuất từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đến sản phẩm cuối cùng là hạt gạo mà đã mở rộng, phát triển và liên kết sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo và thậm chí là các phụ phẩm sau thu hoạch có giá trị gia tăng rất cao.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Huy Trọng cho biết, với sự vào cuộc của ngành KH&CN và các chính sách khuyến khích của tỉnh, lĩnh vực chế biến sâu lúa, gạo ở Hà Tĩnh đã có những bước tiến mới. Cụ thể, những sản phẩm của Công ty An Phát được xuất phát từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, đến nay, ý tưởng đã được doanh nghiệp bước đầu hiện thực hóa. Nhờ những sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, An Phát đã được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Còn những sản phẩm của Công ty KC Hà Tĩnh được ngành KH&CN hỗ trợ trực tiếp từ khâu khảo nghiệm giống, công nghệ thiết bị cho đến xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu…

Hệ thống dây chuyền, thiết bị của những doanh nghiệp này được đầu tư hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

“Dù mới manh nha, nhưng ngành công nghiệp chế biến sâu lúa, gạo sẽ rất tiềm năng và mang tính tất yếu để nâng tầm giá trị của hạt gạo. Với quan điểm khuyến khích tối đa cho các doanh nghiệp, người dân, Sở KH&CN sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách để hỗ trợ về mặt khoa học, công nghệ, nhãn mác, sở hữu trí tuệ… nhằm nâng cao vị thế ngành chế biến lúa gạo và nâng tầm giá trị hạt gạo Hà Tĩnh” – ông Trọng nói thêm.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.