Đổi mới tư duy, đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng pháp luật

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng Tổ 16 điều hành phiên thảo luận gồm ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh.

Sáng 12/2, sau phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đoàn ĐBQH các tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ 16 điều hành phiên thảo luận tổ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 12/2.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Trần Đình Gia - ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh thảo luận về phạm vi sửa đổi; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội; tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội phục hồi quyền hợp pháp khi bị tạm đình chỉ không đúng hoặc bị oan sai; kỹ thuật lập pháp trong xây dựng và soạn thảo dự án luật.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu.

Ngoài ra, các đại biểu nhấn mạnh cần bổ sung quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong hoạt động; quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh; có chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan gửi tài liệu chậm so với quy định; phân định rõ phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác và đề nghị quy định cụ thể cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, việc sửa đổi luật này hết sức cần thiết nhằm đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đại biểu Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị tách bạch giữa quy trình lập chính sách và quy trình soạn thảo chính sách.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phản biện xã hội và tham vấn chính sách; mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản; thông qua và điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm; quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết; quy định về tham vấn chính sách; nguyên tắc, thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm; thời điểm có hiệu lực thi hành của luật.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng, thi hành pháp luật; cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo. Đại biểu khẳng định việc quy định về tham vấn chính sách nhằm giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được tham vấn chính sách.

Ngoài ra, cần phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ. Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo.

Theo chương trình kỳ họp, chiều 12/2/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án luật nói trên và một số nội dung quan trọng khác.

Chủ đề Họp Quốc hội

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói