Sáng 5/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (giảm 84 điều so với Luật hiện hành). Trong đó, dự thảo Luật quy định rõ về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tán thành với phạm vi sửa đổi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (Điều 3), Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.
Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Có ý kiến đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.
Có ý kiến cho rằng mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đề xuất tại dự thảo Luật chưa có sự thống nhất với mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô. Do đó, đề nghị Chính phủ thể hiện rõ quan điểm về việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sắp tới nên được tiếp tục thực hiện theo Luật Thủ đô hay sẽ thực hiện thống nhất như các thành phố khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân (Điều 6), Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; chưa có cơ chế để tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân, chưa phân định rõ phạm vi trách nhiệm giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân với tập thể Ủy ban Nhân dân, dẫn đến sự phức tạp, thiếu thống nhất trong mô hình tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương vì tuy có cùng tên gọi là Ủy ban Nhân dân nhưng Ủy ban Nhân dân ở nơi có Hội đồng Nhân dân và nơi không tổ chức Hội đồng Nhân dân lại có nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động và chế độ trách nhiệm khác nhau.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì Ủy ban Nhân dân đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân là người đứng đầu Ủy ban Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân cùng cấp (đối với nơi có tổ chức Hội đồng Nhân dân), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của Ủy ban Nhân dân ở từng cấp.
Việc không duy trì các chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân cũng giúp cho việc phân tách nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn của người đứng đầu các cơ quan này trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân và của cơ quan chuyên môn.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo Luật và cho rằng các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa kịp thời các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các đại biểu thống nhất quy định rõ nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân, cơ chế làm việc Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp trong dự thảo Luật theo hướng khái quát nhưng đủ cụ thể và phân định rõ được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, cơ chế làm việc của các cấp chính quyền, của từng cơ quan trong hệ thống chính quyền và bảo đảm tính ổn định, khái quát, khả thi của Luật./.