Đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia lăng mộ Hà Công Trình

(Baohatinh.vn) - Đây là dịp để chính quyền và người dân Can Lộc (Hà Tĩnh) cùng con cháu dòng họ tưởng nhớ tiền nhân, giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai.

Sáng 15/12, tại nhà thờ họ Hà, xã Tùng Lộc long trọng tổ chức lễ công bố quyết định Bảo vật quốc gia: Bia "Sùng chỉ bi ký" và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia lăng mộ Hà Công Trình.

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL cùng tham dự

12.jpg
Đại biểu và đông đảo bà con tham dự lễ công bố bảo vật quốc gia bia "Sùng chỉ bi ký", đón nhận bằng xếp hạng.

Bia “Sùng chỉ bi ký” được dựng vào năm Chính Hoà thứ 16 nhà Lê (năm 1695) để ghi nhận công lao với đất nước và Nhân dân, quê hương của vị danh nhân văn hoá Hà Tông Mục.

Hà Tông Mục (1653 - 1707) quê xã Tùng Lộc (Can Lộc) là nhà khoa bảng danh tiếng sống thời Lê Trung Hưng. Ông có những đóng góp không nhỏ cho việc củng cố và giữ vững biên cương phía Bắc và cũng là nhà ngoại giao được ghi vào chính sử.

Với tài năng, đức độ của mình, ông đã cống hiến nhiều sách lược quan trọng. Đặc biệt, khi làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhờ tài đối đáp thông minh và sắc sảo, Hà Tông Mục được hoàng đế nhà Thanh là Khang Hy trọng nể và đề tặng 3 chữ: Nhược - Xung - Hiên (nghĩa là người có đức tính khiêm nhường, thông minh đồng thời lại có chí khảng khái) để tôn vinh tài năng của ông. Hà Tông Mục còn là một nhà sử học uyên thâm nổi danh với bộ Đại việt sử ký tục biên. Danh nhân Hà Tông Mục không chỉ được triều đình trọng dụng mà còn được Nhân dân kính trọng, lập đền thờ, dựng bia để ghi nhận công lao. Đây là một biệt lệ ít có trong lịch sử nước nhà ở các triều đại trước.

11.jpg
Bia Sùng chỉ bi ký (Ảnh: tư liệu).

Danh nhân Hà Công Trình (1434 -1511) quê ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc. Ông sinh ra trong gia đình truyền thống con dòng, cháu dõi, bẩm sinh thông minh, sáng dạ, lại được cha ngày đêm rèn cặp nên sớm giỏi giang chữ nghĩa thánh hiền. Đến thời vua Lê Thánh Tông, thời kỳ thịnh vượng của chính sách dùng khoa cử Nho học để chọn lựa, sử dụng người tài, dòng tộc họ Hà và quê hương Đông Tỉnh càng thêm kì vọng Hà Công Trình đem sở học đến chốn trường thi, đua tài với các sĩ tử khắp nước. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, khoa thi Hội năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), ở tuổi 33, Hà Công Trình đã đỗ kỳ thi Hội và tiếp tục đứng thứ 4 trong cuộc thi Đình.

bqbht_br_c1.jpg
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng, lãnh đạo Sở VHTT&DL trao công bố bảo vật quốc gia bia "Sùng chỉ bi ký" và bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia lăng mộ Hà Công Trình cho đại diện chính quyền địa phương, dòng họ.

Cuộc đời làm quan của ông phục vụ qua 2 đời vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, đảm nhận nhiều chức trách, vị trí quan trọng trong triều đình: Đầu tiên là Thái thường Tự khanh rồi lần lượt thăng bổ các chức Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, bộ Công, Nhập thị Kinh diên, vào nội cung để giảng sách cho vua và các hoàng tử học…

Ở tuổi 68 ông được triều đình cử kiêm thêm chức Tế tửu Quốc Tử giám - đứng đầu trường “Đại học Quốc lập Hoàng gia” duy nhất ở kinh đô Đại Việt, là nơi dạy các sĩ tử có tài, có chí, có khả năng đỗ đạt cao trong thiên hạ. Hà Công Trình còn được cử làm quan độc quyển khoa thi Hội đầu tiên ở thế kỷ XVI của lịch sử khoa cử nước nhà. Ghi nhớ công lao của vị lão thần đức cao vọng trọng, thời Lê sơ, các triều Lê, Nguyễn đều có sắc phong tặng và truy phong thần vị “Đoan túc Dực bảo Trung hưng thần”,“Tuấn lương thần”. Hiện nay, họ Hà (Hà Tĩnh) còn giữ được 13 đạo sắc, trong đó có 4 sắc phong thần cho ông.

Với những công lao và tài năng của ông, năm 2008, lăng mộ Hà Công Trình đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích cấp tỉnh và ngày 20/11/2024, Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng tầm với tài năng và đóng góp của ông với đất nước, quê hương.

Đền thờ Hà Tông Mục được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1998. Bia Sùng chỉ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2020, di tích Lăng mộ Hà Công Trình được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2024. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với các danh nhân văn hoá của dân tộc, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ anh hùng đã đi trước, góp phần làm dày thêm truyền thống và trang sử hào hùng của quê hương, dòng họ.

Đọc thêm

 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Đón nhận “luồng gió mới” từ những chủ trương chính sách của các cấp, ngành trong phát triển du lịch, gần đây, nhiều cá nhân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

“Tôi có thể hiểu được tiếng các loài chim và đã hỗ trợ xây dựng được hơn 20 mô hình bảo tồn chim trời với hàng chục loài, tạo nên những mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách. Tôi mong muốn giúp Hà Tĩnh xây dựng mô hình này”, ông Lê Danh Cương chia sẻ.