Donald Trump: Giới hạn của khuôn mẫu

Cách ông Donald Trump xử lý hồ sơ Triều Tiên, Iran, Afghanistan đã lộ diện một khuôn mẫu giải pháp cho các điểm nóng. Và mọi dấu hiệu đều cho thấy ông Trump vẫn cá cược hết lòng tin vào thành công của nó.

Donald Trump: Giới hạn của khuôn mẫu

Xuất phát điểm đàm phán, mô hình giải pháp của ông Trump đều rất khác với những người tiền nhiệm. (Biếm họa trên The New Yorker)

Một trong những diễn biến bất ngờ trong những ngày vừa qua là Tổng thống Mỹ Donald Trump huỷ các cuộc gặp gỡ và đàm phán bí mật với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và lãnh đạo Taliban ở Trại David.

Điều gây bất ngờ lớn nhất là ý định của ông Trump gặp gỡ trực tiếp các nhân vật lãnh đạo Taliban và cuộc gặp lại còn được dự định diễn ra trên lãnh thổ nước Mỹ.

Không ít người ở Mỹ cho rằng, vụ việc này giống như giọt nước làm tràn ly khiến cho cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton rời nhiệm sở, có thể do tự nguyện từ chức nhưng cũng có thể do bị ông Trump sa thải.

Mô thức thích hợp và đắc dụng nhất

Những cuộc gặp gỡ bí mật ở Trại David bất thành nhưng vẫn là biểu hiện của mô hình được ông Trump coi là thích hợp nhất và tin rằng sẽ đắc dụng nhất giúp ông Trump giải quyết ổn thoả những vấn đề chính trị an ninh dai dẳng lâu nay đối với nước Mỹ, trước hết và cụ thể hơn cả là Triều Tiên, Iran và Taliban ở Afghanistan.

Cần phải công bằng và khách quan để xác nhận trước hết hai điều.

Thứ nhất , tất cả những vấn đề này không phải do ông Trump gây ra cho nước Mỹ. Những người tiền nhiệm của ông Trump đều đã không giải quyết được cả ba vấn đề trên. Thứ hai , những người tiền nhiệm của ông Trump đều là chính trị gia chuyên nghiệp trong khi làm chính trị chỉ là cuộc chơi với tay trái đối với ông Trump. Chính vì thế mà không có gì là khó hiểu khi ông Trump có cách tiếp cận khác và sử dụng mô hình giải pháp khác để giải quyết những vấn đề này.

Tuy luôn quả quyết là không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để giải quyết những vấn đề này, ông Trump thừa hiểu rằng, Mỹ không thể giải quyết được chúng bằng biện pháp quân sự bởi nếu có thể và nếu chắc thắng thì Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đâu có ngại ngần gì.

Sau gần 18 năm, Mỹ đâu đã tiêu diệt được Taliban ở Afghanistan. Mỹ đã nhiều lần điều binh khiển tướng đến khu vực và bài binh bố trận sẵn sàng ở ngoài khơi bờ biển Triều Tiên, ở khu vực Đông Bắc Á và vùng Vịnh mà đâu có dám gây chiến với Triều Tiên hay Iran.

Người này cũng còn thừa hiểu rằng, không thể dùng biện pháp quân sự để thay đổi được thể chế ở Triều Tiên hay Iran và dẫu có thay đổi được thì rồi cũng sẽ phải lãnh đủ hậu quả và hệ luỵ như cho đến hiện tại vẫn như thế ở Afghanistan.

Mô hình giải pháp cho các điểm nóng

Mô hình giải pháp của ông Trump là gia tăng áp lực đối với chính quyền các nước ấy để gây khó khăn cho họ đến mức họ tự chuyển đổi về chính trị xã hội nội bộ hoặc phải chịu bị khuất phục trước Mỹ đồng thời với việc mời chào đối thoại và đàm phán.

Trên phương diện đàm phán, ông Trump khác với những người tiền nhiệm ở chỗ chủ ý tạo điểm xuất phát khác trước để rồi ngỏ ý đàm phán vô điều kiện và đặc biệt là sử dụng khuôn khổ gặp gỡ cấp cao để định hướng cho đàm phán ở các cấp dưới.

Ông Trump đã sử dụng cách tiếp cận và phương thức này lần đầu tiên với Triều Tiên, sau đó đưa ra mời chào Iran và mới đây sắp thực hiện với Taliban ở Afghanistan, cùng một mô thức nhưng với tiến triển cụ thể khác nhau bởi thực chất các vấn đề mà ông Trump muốn và phải giải quyết với ba đối tác này đâu có như nhau.

Những gì ông Trump đạt được cho tới nay là đưa lại chuyển biến rất cơ bản và sâu sắc trong cả ba vấn đề nhưng đều chưa đạt được giải pháp, hay nói theo cách khác là đều chưa thành công. Hiện không thể chắc rồi đây ông Trump sẽ thành công như mong muốn hay không bởi khuôn mẫu hay mô hình giải pháp ấy, cách thức xử lý ấy có giới hạn của chúng và hiện đã đến giới hạn ấy. Giới hạn này bộc lộ cụ thể trên ba phương diện và cả ba đều ở bên ngoài tầm kiểm soát và chi phối của ông Trump.

Giới hạn của khuôn mẫu

Thứ nhất là tính nhạy cảm và tế nhị về đối nội ở nước Mỹ. Sẽ rất nguy hại về đối nội đối với ông Trump nếu cứ tiếp tục trường kỳ thực thi sách lược gia tăng áp lực tối đa đối với các địch thủ kia mà không thu về được chuyển biến gì. Ông Trump muốn chứng tỏ và được công nhận ở Mỹ là hơn hẳn những người tiền nhiệm nên phải giải quyết dứt điểm các vấn đề ấy chứ không kéo dài chúng hay làm cho chúng trở nên phức tạp và nan giải hơn. Ông Trump đã làm cho việc giải quyết chúng trở thành chiếc hàn thử biểu về năng lực, bản lĩnh và tầm nhìn lãnh đạo nước Mỹ của chính mình và điều này sẽ quyết định ông Trump có tái đắc cử tổng thống Mỹ sang năm hay không.

Thứ hai , mô hình hay khuôn mẫu giải pháp ấy chỉ có thể thành công khi giữa Mỹ và các đối tác kia có được sự tin cậy lẫn nhau và thật sự tin nhau là sẽ thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ những gì đã thoả thuận với nhau. Sự tin cậy lẫn nhau này hiện hoàn toàn chưa có giữa Mỹ với Triều Tiên , Iran và Taliban. Vì thế, tiến triển không được liên tục, tiến trình dễ dàng bị chững lại và tiến bộ nhanh chóng có thể bất ngờ bị huỷ hoại và đảo ngược.

Thứ ba , ông Trump hiện đã bắt đầu phải chạy đua với thời gian và cấp thiết cần thành quả cụ thể. Bên nào vội và cần kết quả bằng mọi giá đều bị coi là yếu thế và sẽ bị ép buộc phải nhượng bộ trước và nhiều hơn.

Mọi dấu hiệu hiện tại đều cho thấy ông Trump vẫn cá cược hết lòng tin vào thành công của mô thức hay khuôn mẫu giải pháp này. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phải khăn áo ra đi xem ra cũng có liên quan đến chuyện đó.

Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.