Đồng chí Hà Huy Tập - người đưa cách mạng tiến lên những bước mới

(Baohatinh.vn) - Hà Huy Tập (quê làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) là người giải quyết toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về chỉ đạo chiến lược và sách lược của cả thời kỳ vận động dân chủ.

LTS: Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập - cố Tổng Bí thư của Đảng 24/4 (1906 - 2021), Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung: quê hương và gia đình; quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư, phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh.

Đồng chí Hà Huy Tập - người đưa cách mạng tiến lên những bước mới

Giữa năm 1933, Hà Huy Tập về nước qua con đường Trung Quốc. Đến Trung Quốc, Hà Huy Tập bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác.

Tháng 3/1934, các đồng chí đã thành lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, gồm: Lê Hồng Phong (thư ký), Hà Huy Tập (ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sơ-vích), Nguyễn Văn Dựt (ủy viên phụ trách kiểm tra). Nhiệm vụ trọng tâm của ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931.

Sau một thời gian, các đồng chí đã liên lạc với các tổ chức Đảng còn lại ở trong nước, gửi tài liệu huấn luyện và chỉ đạo các mặt hoạt động, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 6/1934, diễn ra Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài và đại biểu đại diện các đảng bộ ở trong nước. Hội nghị đã thông qua nghị quyết chính trị khẳng định cơ quan lãnh đạo của Đảng đã chính thức được lập lại và chỉ đạo phong trào cách mạng; quyết định tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào mùa xuân năm 1935.

Từ ngày 27 - 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, Hà Huy Tập chủ trì đại hội và đọc báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị do Hà Huy Tập trình bày được đại hội thông qua và trở thành nghị quyết chính trị của Đảng. Ngoài ra, đại hội còn thông qua một số nghị quyết quan trọng. Đại hội đã bầu ra BCH Trung ương và BTV Trung ương gồm 5 đồng chí: do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài.

Do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản nên thực chất trọng trách lãnh đạo cách mạng thời gian này do Hà Huy Tập đảm nhận.

Sau đại hội, Hà Huy Tập cùng BCH Trung ương bắt tay vào triển khai nghị quyết đại hội. Đồng chí viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản thông báo về kết quả đại hội; kiến nghị với Quốc tế Cộng sản cho lập bộ phận Phương Đông làm nhiệm vụ thực thi đường lối của Quốc tế Cộng sản ở vùng Đông Nam châu Á và thông báo đồng chí Nguyễn Ái Quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Sau khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản trở về, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã thông báo cho Hà Huy Tập biết sự chuyển hướng về tổ chức và sách lược của Quốc tế Cộng sản trước tình hình mới. Các đồng chí nhận thấy cần phải sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết Đại hội I cho phù hợp với tình hình.

Đồng chí Hà Huy Tập - người đưa cách mạng tiến lên những bước mới

Lễ di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập từ TP Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu

Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Ban Trung ương, do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài Hà Huy Tập chủ trì.

Hội nghị nhận định: nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc (cách mạng phản đế) và chống phong kiến (cách mạng điền địa) mà Đảng ta đề ra từ khi mới thành lập đến nay vẫn không thay đổi. Song mục tiêu trực tiếp trước mắt của cách mạng lúc này là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do dân chủ, cơm áo hòa bình, chứ chưa phải là đánh đổ chính quyền thực dân làm cách mạng ruộng đất như Đại hội lần thứ nhất đề ra.

Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, nhằm tập hợp tất cả các đảng phái, các tầng lớp quần chúng, các dân tộc xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi dân chủ như tự do hội họp, tổ chức; tự do ngôn luận, xuất bản; tự do đi lại xuất dương; ân xá hết chính trị phạm; thực hiện các luật cho thợ thuyền; giảm miễn thuế cho người nghèo; bãi bỏ độc quyền một số mặt hàng; nam, nữ bình quyền; mở rộng các cơ quan kinh tế, tài chính Đông Dương...

Hội nghị đã thông qua Nghị quyết bổ khuyết cho các nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng, kịp thời chỉ đạo chuyển hướng về tổ chức và sách lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Nghị quyết của Hội nghị đã được Quốc tế Cộng sản chuẩn y.

Hạn chế của Hội nghị là chưa nêu được những khẩu hiệu thích hợp về vấn đề dân tộc trong lúc tạm gác khẩu hiệu chiến lược đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập cho các dân tộc Đông Dương.

Hội nghị đã có sự phân công về trách nhiệm: “Lê Hồng Phong làm cán bộ dự trữ ở lại nước ngoài để sau này trở về nước tổ chức lại các tổ chức của Đảng trong trường hợp các đồng chí có trách nhiệm ở trong nước bị bắt; đồng thời để giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản”, Hà Huy Tập “về nước để tổ chức Ban Trung ương và để khôi phục các liên lạc với các tổ chức của Đảng”.

Đến thời điểm này, Hà Huy Tập được coi là Tổng Bí thư của Đảng. Trong báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản ngày 10/9/1937 có ghi, đồng chí Hà Huy Tập giữ chức vụ Tổng Thư ký của Đảng từ hơn một năm nay (tức là từ tháng 7/1936). Hà Huy Tập trở thành Tổng Bí thư thứ ba của Đảng ta sau các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, khi đồng chí mới 30 tuổi.

Là một cán bộ được Quốc tế Cộng sản cử về nước để khôi phục phong trào cách mạng, lập lại cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, Hà Huy Tập đã phối hợp và cộng tác với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt và một số đồng chí đang hoạt động ở miền Nam Trung Quốc hoặc trong nước cử sang và đã đạt được kết quả rất quan trọng. Thành công của việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài (3/1934), đặc biệt là Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935) cùng với các Nghị quyết được thông qua đã khẳng định tài năng và nghị lực của đồng chí Hà Huy Tập. Cùng với các cán bộ ưu tú của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản giao cho.

Tháng 9/1937, tại Bà Rịa, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương. Đồng chí đã đọc báo cáo kiểm điểm tình hình hoạt động của Đảng từ tháng 8/1938. Hội nghị đã thông qua một số nội dung quan trọng như: thành lập Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương, phát triển cơ sở Đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai...

Hội nghị đã cử ra BTV Trung ương gồm 5 đồng chí do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Hội nghị tháng 9/1937, đánh dấu bước tiến lớn của Đảng trong một năm, từ chỗ không còn Trung ương đến chỗ có BCH và BTV Trung ương.

Đồng chí Hà Huy Tập - người đưa cách mạng tiến lên những bước mới

Chi bộ Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên (Cẩm Xuyên) sinh hoạt chuyên đề về cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ảnh: Thu Hà

Trong lúc phong trào cách mạng đang sôi nổi lên cao thì bọn Trốtxkít và các thế lực phản động tìm cách phá hoại phong trào cách mạng, đả kích Đảng Cộng sản. Trong nội bộ Đảng, các khuynh hướng “tả”, “hữu” xuất hiện. Trung ương Đảng đã ra nhiều tài liệu để nói rõ chủ trương và chính sách của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương, Hồng Quy Vít... đã viết nhiều bài đăng trên các báo La Lutte, Lavant, En Avant... kiên quyết vạch trần bộ mặt của bọn Trốtxkit, phê phán lý thuyết phản động của bọn Trốtxkít và trình bày quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Đấu tranh chống bọn Trôtxkít gắn liền với cuộc đấu tranh ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, vận động thành lập Mặt trận Đông Dương. Các tác phẩm của Hà Huy Tập như: Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao phải ủng hộ mặt trận bình dân bên Pháp... là những trang lý luận và chính trị có giá trị lớn trong lịch sử tư tưởng, chính trị của Đảng ta.

Hà Huy Tập là người giải quyết toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về chỉ đạo chiến lược và sách lược của cả thời kỳ vận động dân chủ. Đó là một trong những nhân tố quyết định đưa phong trào đấu tranh dân chủ trong năm 1937 phát triển mạnh mẽ, phong phú, vững chắc, làm cơ sở cho phong trào năm 1938 tiến lên.

Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương. Hội nghị đã phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương và ra nghị quyết về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính.

Hội nghị tháng 3/1938, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, được tập thể BTV Trung ương chuẩn bị kỹ, như một sự tổng kết quá trình hoạt động của Đảng, sự phát triển của phong trào cách mạng, khởi xướng cuộc vận động dân chủ.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập với vai trò, trách nhiệm của mình đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nội dung dự thảo nghị quyết và ra nghị quyết chính thức của hội nghị. Về nhân sự: hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư.

Như vậy, đồng chí Hà Huy Tập giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng gần 2 năm. Công lao của đồng chí từ khi về nước là đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được BCH Trung ương từ tháng 10/1936; triệu tập và chủ trì 3 hội nghị Trung ương (tháng 3/1936, tháng 9/1937 và tháng 3/1938); tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đưa phong trào tiến lên những bước mới.

(Còn nữa)

(Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chủ đề KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.