Đồng chí Hà Huy Tập với việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ công nhân, giáo viên

(Baohatinh.vn) - Nhận thức được vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập (quê làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) tích cực tuyên truyền, giác ngộ cho lực lượng này nhưng đã bị kết tội là chống Pháp, trở thành đối tượng bị địch theo dõi.

LTS: Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập - cố Tổng Bí thư của Đảng (24/4/1906 - 22/4/2021), Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung: quê hương và gia đình; quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư; phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh.

Đồng chí Hà Huy Tập với việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ công nhân, giáo viên

Cuối năm 1926, Hà Huy Tập gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) - một tổ chức cách mạng yêu nước ở TP Vinh. Trong thời gian này, Hà Huy Tập được đọc một số sách, báo cộng sản từ Pháp gửi về như: báo LeParia (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, báo L ’ Humanité (Nhân đạo) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp.

Thông qua những tài liệu này, một định hướng bắt đầu nảy sinh trong anh. Hà Huy Tập hiểu được động lực chính của cách mạng là những ai hiểu được xu hướng cộng sản là gì? Hiểu được vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong đấu tranh cách mạng. Điều đó thôi thúc đồng chí tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng.

Nhận thức được vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong cách mạng, Hà Huy Tập tích cực tuyên truyền, giác ngộ trong công nhân. Đầu năm 1926, đồng chí đã mở 3 lớp học buổi chiều cho công nhân ở Nha Trang, bề ngoài là chống mù chữ nhưng bên trong là tập hợp công nhân lại để tuyên truyền.

Với những hoạt động và việc làm yêu nước đó, đồng chí đã bị kết tội là chống Pháp, trở thành đối tượng bị địch theo dõi. Giữa năm 1926, Công sứ Nha Trang ra lệnh trục xuất Hà Huy Tập khỏi Nha Trang.

Đồng chí Hà Huy Tập với việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ công nhân, giáo viên

Khu mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên).

Tháng 8/1926, Hà Huy Tập chuyển về Vinh, xin dạy học ở trường Cao Xuân Dục. Được Hội Hưng Nam giao nhiệm vụ phụ trách tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các trường tiểu học và công nhân ở Vinh - Bến Thủy, Hà Huy Tập đã tổ chức được 3 lớp học ban đêm cho công nhân, thành lập các hội tương trợ trong nhà máy... Ngoài ra, vào các ngày thứ năm và chủ nhật, Hà Huy Tập đi xuống các xóm thợ, các làng nông dân ở xung quanh TP Vinh để tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng cơ sở cho hội.

Công sứ Vinh lúc bấy giờ tin rằng mục đích của Hà Huy Tập và những người trong Hội Hưng Nam đơn giản là chỉ để xóa mù chữ cho công nhân và nông dân. Nhưng khi thấy tốc độ tiến triển của các lớp học này, ông ta tìm cách thuyên chuyển các thầy giáo đi nơi khác. Hà Huy Tập bị chuyển đến một vùng núi khí hậu khắc nghiệt thuộc huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 200 km, làm Hiệu trưởng Trường Phủ Bọn. Hà Huy Tập biết rõ âm mưu của Công sứ Vinh là muốn loại bỏ mình ra khỏi phong trào công nhân Vinh nên từ chối sự “thăng quan” này. Công sứ Vinh lệnh cho Hiệu trưởng Trường Cao Xuân Dục cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập, với lý do “chống lại sự bổ nhiệm và điều động của nhà chức trách”.

Trước tình hình đó, Tổng hội Hưng Nam quyết định cử Hà Huy Tập vào Sài Gòn để gây cơ sở trong đó. Tháng 3/1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn xin dạy tại trường tiểu học tư thục mang tên “An Nam học đường” vừa để kiếm sống, vừa che mắt địch hoạt động cách mạng.

Trong thời gian ở Sài Gòn, Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí hoạt động trong Hội Hưng Nam sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Đảng ở Nam Kỳ do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký.

Đầu năm 1928, Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai với tư cách là đại biểu đại diện cho Kỳ bộ Nam Kỳ tham dự Hội nghị toàn quốc Việt Nam cách mạng Đảng tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị bàn việc hợp nhất giữa hai tổ chức: Việt Nam Cách mạng Đảng và Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do chưa thống nhất được với nhau về biện pháp hợp nhất nên hội nghị không đạt kết quả.

Tháng 1/1928, Hà Huy Tập kết hôn cùng Nguyễn Thị Giáo là một học sinh trường Đồng Khánh (Huế), giác ngộ cách mạng, sau đó vào Sài Gòn hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ.

Đồng chí Hà Huy Tập với việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong đội ngũ công nhân, giáo viên

Tuổi trẻ Hà Tĩnh tham quan Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên).

Tháng 7/1928, Việt Nam Cách mạng Đảng họp đại hội ở Huế, đổi tên Đảng là Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt). Sau khi Tân Việt được thành lập, có tôn chỉ mục đích rõ ràng, Kỳ bộ Tân Việt ở Nam Kỳ hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Tổ chức một số lớp huấn luyện cho đảng viên dự bị, tiến hành dịch một số sách báo làm tài liệu huấn luyện, tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của học sinh và bãi công của công nhân... Hà Huy Tập là giáo viên chính giảng dạy cho những lớp học này, là người châm ngòi nổ cho các cuộc bãi khóa của học sinh, thanh niên... Tháng 6/1928, Hiệu trưởng “An Nam học đường” ký quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do “kích động học sinh bãi khóa nhiều lần”.

Rời khỏi “An Nam học đường”, Hà Huy Tập xin vào làm công cho một hiệu buôn nhưng chỉ sau 2 tháng thì bỏ hiệu buôn xuống Bà Rịa làm công cho một đồn điền trồng mía ở Phú Mỹ. Tại đây, đồng chí lập ra một chi bộ công nhân và trực tiếp làm bí thư, tổ chức nhiều lớp xóa nạn mù chữ cho công nhân và tổ chức nhiều cuộc đình công của công nhân chống chế độ hà khắc của bọn chủ đồn điền.

Tháng 12/1928, xảy ra vụ án tại đường Bácbie ở Sài Gòn (nay là phố Nguyễn Trần Quán, nhà số 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Cảnh sát Nam Kỳ tiến hành lục soát xung quanh khu vực xảy ra vụ án. Không may chúng tìm thấy văn phòng bí mật và cơ sở ấn loát của Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ và nhiều nhiều tài liệu quan trọng, bút tích viết bằng tay của các đồng chí, phần nhiều do Hà Huy Tập viết khi đang làm thư ký của Kỳ bộ.

Trước tình hình đó, Kỳ bộ Tân Việt chủ trương cho một số đồng chí đi tạm lánh một thời gian để tránh sự vây ráp, săn lùng của địch. Cuối tháng 12/1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn đi Trung Quốc. Từ Quảng Châu, Hà Huy Tập đến Thượng Hải và sau đó tới Hồng Kông. Ở Hồng Kông, Hà Huy Tập tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Các đồng chí trong tổ chức gợi ý cho Hà Huy Tập nên sang Liên Xô học.

Tháng 4/1929, Hà Huy Tập liên hệ được với Tổng lãnh sự ở Trung Quốc, đề nghị họ giới thiệu với Quốc tế Cộng sản cho mình sang Liên Xô học. Tháng 5/1929, thông qua Tổng lãnh sự Liên Xô ở Trung Quốc, Quốc tế Cộng sản đã đồng ý cấp giấy thông hành và cho Hà Huy Tập sang Liên Xô học.

Ngày 24/7/1929, Hà Huy Tập vào học tại Trường Đại học Phương Đông. Trong thời gian học tập ở trường, Hà Huy Tập say mê học tập, tích cực đọc các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lê-nin, các văn kiện của quốc tế cộng sản, của Đảng Cộng sản Liên Xô. Hà Huy Tập đã viết nhiều bài gửi Tạp chí Cahiers du bolchévisme (Bônsơvích) - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp như: Lịch sử Tân Việt Cách mạng Đảng (1929), hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931), thư gửi tạp chí Bônsơvích (1932).

Cùng với các bài báo trên, đồng chí còn biên soạn nhiều tài liệu gửi quốc tế cộng sản, như: Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932), những cải cách đế quốc chủ nghĩa (1932)... trình bày quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, những thuận lợi và khó khăn trong công tác giúp cho các đảng cộng sản và giai cấp công nhân các nước hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đầu năm 1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông và Quốc tế cộng sản đã cử đồng chí về nước hoạt động. Tháng 4/1932, Hà Huy Tập trở về nước, nhưng do sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát và mật thám đã làm gián đoạn lộ trình. Cuối tháng 6/1932, Hà Huy Tập phải quay trở lại Liên Xô.

Những ngày ở Liên Xô, Hà Huy Tập tập trung sức lực, thời gian viết cuốn sách: Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp với bút danh Hồng Thế Công. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, cuốn sách nêu bật lịch sử đấu tranh oanh liệt của quần chúng nhân dân, nông dân ở các địa phương trong cả nước và vai trò tiên phong của những đảng viên cộng sản; uy tín và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản non trẻ ngày càng lan rộng và lên cao. Từ những thắng lợi và cả những thất bại, hy sinh, tác giả đã rút ra những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng và tuyên truyền quần chúng, về khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo đạt được những thắng lợi to lớn hơn.

Đây là một cuốn sách viết về Lịch sử Đảng ta, một tác phẩm có tính chiến đấu cao, nó đập tan luận điệu tuyên truyền bỉ ổi của bọn thực dân và tay sai, nhằm xuyên tạc Đảng ta và phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

(Còn nữa)

(Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chủ đề KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.