64 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2018)
Chuyện anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng
Năm nay đã 88 tuổi nhưng ông Trương Xuân Bái (thôn Thanh Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bên ly nước chè xanh, ông “dẫn” chúng tôi trở với những ký ức một thời.
Ông kể, năm 1951, cả nước Việt Nam có được 2 vùng tự do là Thanh - Nghệ - Tĩnh và Cao - Bắc - Lạng. Hồi ấy, ông 20 tuổi, được sống trong vùng tự do nhưng luôn nơm nớp lo sợ bị địch chiếm đóng. Thế là thanh niên làng các ông (gồm 7 đứa) rủ nhau trốn nhà đi tòng quân cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Yên Thành (Nghệ An), ông được bổ sung vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Trận chiến ông tham gia đầu tiên là chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, sau đó mới lên Tây Bắc, đánh ở Mộc Châu, Nà Sản.
Ông Bái vinh dự có 3 lần được gặp Bác Hồ, lần thứ 2 được Bác tặng bức ảnh sau khi đi thăm các nước XHCN trở về.
“Đánh ở Mộc Châu, Nà Sản là để mở đường lên Điện Biên. Hồi đó, để đảm bảo bí mật, chúng ta không gọi là chiến dịch Điện Biên mà gọi là Trần Đình. Giữa tháng 12/1953, chúng tôi hành quân lên thị xã Sơn La, có 4 tiểu đoàn. Nơi này có trên dưới 1.000 quân địch đóng. Khoảng 5h30’, chúng tôi ăn cơm tối, mỗi người một nắm cơm vắt và một chút muối mắm. Đến khoảng 6h30’ thì chúng ta bắt đầu đánh. Nổ súng khoảng 2 tiếng đồng hồ thì tiêu diệt khoảng 500 quân địch; số còn lại bỏ chạy, chủ yếu chạy bằng ngựa. Đến Mường Pồn (Lai Châu) thì chúng nghỉ. Chúng chọn quả đồi cao đóng quân. Chúng ta đuổi theo đến nơi là khoảng 4h chiều ngày hôm sau” - ông Bái nhớ lại.
Ông kể tiếp: “Quả đồi chúng chọn đóng quân rất lợi thế. Ở trên cao, chúng đặt 2 ụ súng trung liên xả xuống,ta thương vong rất nhều. Với địa thế bất lợi, súng trung liên của ta chỉ bắn được ở chân đồi, không thể phá 2 ụ trung liên của địch. Ức quá, Bế Văn Đàn là Tiểu đội trưởng của chúng tôi đã nhảy lên. Tôi cùng đồng chí Toàn (quê ở Hải Dương) đứng dậy theo anh nhưng bị anh can ngăn. Anh nói, các em ở lại. Anh là đảng viên (cả tiểu đội chỉ có mình anh là đảng viên), là tiểu đội trưởng nên để anh lên. Nói liền, anh đứng lên lấy thân mình làm giá súng. Chu Văn Pù đã kê súng lên anh mà xả liên tục về phía 2 ụ trung liên trên đồi cao của địch. Anh Đàn bị bắn vào tim, gục xuống; Pù tiếp tục gác súng lên lưng anh và bắn tới tấp. 2 ụ trung liên của địch bị phá tan. Pù bảo, anh Đàn hy sinh rồi, không bắn nữa. Lúc đó, tôi cõng anh Đàn lui về phía sau để chôn cất. Chiếc áo trấn thủ của tôi nhuộm đầy máu anh Đàn”…
Kể đến đây, ông Bái trầm ngâm một lúc rồi tiếp: “Trận này, anh Pù cũng bị thương. Anh Pù là người dân tộc Nùng. Viên đạn trúng anh Đàn nhưng xuyên qua sườn anh Pù. Tuy gãy xương rồi nhưng anh Pù vẫn không dừng tay...”.
Chiến thắng được đổi bằng xương máu
Sau chiến thắng trận Mường Pồn, ông Bái cùng đồng đội hành quân về Điện Biên Phủ. Tại đây, có 5 đại đoàn cùng tập kết. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hoàn tất trước đó, từ việc đào hầm; nhưng đúng ngày 13/3/1954, mới bắt đầu nổ súng...
“Trung đoàn tôi chịu trách nhiệm đồi A1, đánh ác liệt lắm. Đồi có tầng hầm và hàng rào gai chi chít. Khi lên, anh em ta mắc hàng rào hy sinh rất nhiều. Khi phát hiện hàng rào thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh đào vào sát hầm của chúng để đặt bộc phá. Cả công binh và bộ binh đào hầm mất 5-6 đêm. Công binh đào, khoan, chúng tôi bê đất đổ, sau đó chuyển bộc phá vào. Bình thường, chúng tôi chỉ đánh hơn 5 lạng bộc phá nhưng ở đây đặt đến 960 kg. Tối 6/5 thì bộc phá nổ, sau đó, cả sư đoàn xông lên. Ngày 7/5, tướng Đờ Cát và bộ chỉ huy quân địch ra đầu hàng tại đồi A1” - ông Bái kể.
Địch thất bại hoàn toàn. Biết bao anh hùng dân tộc đã vĩnh viễn nằm lại đất này. Trung đoàn của ông Bái có đến 120 người tham gia nhưng chỉ 6 anh em sống sót...