Các anh chị em nghệ sỹ đang tất bật chuẩn bị cho đêm nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc" diễn ra tối nay (23/7)
Viết Linh quê ở Mỹ Lộc và vợ là Ngọc Anh (quê ở Đồng Lộc) đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc. Trong nỗi nhớ nhà, Viết Linh tiếp tục messenger: “Ngày trước, em là học sinh của Trường THPT Đồng Lộc. Con đường tới trường đi qua khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nên hình ảnh 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc rất quen thuộc. Em cảm thấy Đồng Lộc ngày càng phát triển, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc cũng được quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong thời gian gần đây. Đó cũng là niềm vui cho quê hương và những người con xa xứ như em, anh à!”.
Viết Linh cũng bảo, tâm niệm của em là sẽ trở về cống hiến cho quê hương, đất nước, đó cũng là phần nào báo đáp nghĩa tình mà thế hệ cha anh đã đánh đổi cho thái bình hôm nay.
Mải mê trò chuyện với Linh, chiếc xe đã cập “bến” tự lúc nào. Trước mắt chúng tôi là cảnh tấp nập đoàn người từ muôn phương kính cẩn trước Đài tượng niệm TNXP toàn quốc và bên mộ 10 liệt nữ. Từ xa, giọng người đàn ông trầm ấm vang đến khi xướng lễ, gợi những nỗi xúc động sâu thẳm: “Các chị ơi! Các chị không còn nữa nhưng gương hy sinh vẫn giữ mãi cho đời. Sừng sững nơi này bao thế hệ chung soi. Xin kính mời… ”.
Trong lúc đó, dòng người đến viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc vẫn không ngớt
Chúng tôi kịp nhìn thấy những giọt nước rơi từ khoé mắt của những người phụ nữ luống tuổi. Thật cảm động biết bao, hơn 120 phụ nữ mặc áo dài truyền thống xếp hàng dài và di chuyển thật trình tự, tay cầm nén tâm nhang và những đoá cúc trắng ngần, lần lượt đến từng nơi an nghỉ của 10 đoá hoa bất tử.
Trong giọng nói nghẹn ngào, người nữ trưởng đoàn, cô Nguyễn Thị Kim Chi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ (hái Nguyên) bày tỏ: “Chúng tôi là những cán bộ quản lý giáo dục thuộc huyện Đồng Hỷ, một huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên. Đến với nơi này, thực sự chúng tôi rất cảm động không kìm được nước mắt trước tấm gương hy sinh của TNXP, đặc biệt là 10 cô gái cách đây 49 năm. Qua đây, chúng tôi cũng hiểu thêm ý chí quật cường của quân và dân Hà Tĩnh cũng như cả nước. Từ chuyến hành hương này, chúng tôi sẽ tăng cường thêm nữa công tác giáo dục truyền thống cho đội ngũ giáo viên và các em học sinh trong địa bàn”.
Cô Nguyễn Thị Kim Chi trao đổi với phóng viên
Cùng trò chuyện bên cạnh trưởng đoàn, cô Nguyễn Thị Thanh Thuý rơm rớm nước mắt: “Lần đầu tiên đến với nơi này, em không kìm được cảm xúc. Em càng hiểu thêm những cống hiến, hy sinh của các thế hệ TNXP. Rất may mắn cho gia đình em, mẹ em ngày trước cũng là TNXP nhưng được trở về xây dựng hạnh phúc và sum vầy bên gia đình khi chiến tranh kết thúc”.
Rất trịnh trọng và chỉnh tề, những người lính năm xưa màu tóc ngã bạc, ngực lấp lánh huân chương kính cẩn trước bia tưởng niệm. Họ, những cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên đến từ tỉnh Hải Dương, từng tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị ngày nào, dẫu đã ngoài 60, 70 nhưng ánh mắt vẫn ngời sáng.
Bác Nguyễn Mạnh Điềm - trưởng đoàn, bồi hồi nhớ lại: “Tôi và các đồng đội của tôi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt. Nơi đây là con đường huyết mạch chúng tôi đi qua. Những cô gái TNXP đã từng đưa đón chúng tôi. Các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh khi tuổi đời mười tám đôi mươi để cho chúng ta có ngày độc lập hôm nay. Vì vậy, mỗi một người dân, người quân, người CCB khi đi qua đây không khỏi bồi hồi xúc động, không thể không thắp hương để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ”.
Bác Điềm còn chia sẻ thêm: “Năm 1966, bác xuất phát ở Hương Khê để vào chiến trường. Bác và đồng đội đã chiến đấu tại Quảng Trị từ năm 1966 đến năm 1972”. Rời chúng tôi, hơn 50 cựu chiến binh Thành cổ sát cánh bên nhau đến đọc từng nét chữ của bức thư chị Tần đã tạc thành… “thư đá”. Các bác đứng thật lâu, tất cả như nín lặng.
Những đoàn người với đủ lứa tuổi vẫn tiếp nối không thôi đến với trời Đồng Lộc. “Tháng 7 này, Đồng Lộc đã đón hơn 1.000 lượt khách. Đặc biệt, những ngày gần kỷ niệm ngày 10 liệt nữ hy sinh 24/7, du khách muôn phương đến càng đông hơn. Trong tháng 7, tại Đồng Lộc ngoài chương trình nghệ thuật tối nay còn có nhiều chương trình khác như: lễ giỗ 10 nữ liệt sỹ TNXP và thắp nến tri ân; đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, trước đó, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức thành công chương trình cắm trại hè, rất ý nghĩa” - ông Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho hay.
Âm thanh của tiếng nhạc với hệ thống loa công suất lớn nổi lên giữa ngàn thông Đồng Lộc đang chuẩn bị cho đêm diễn chính thức. Tiếng hát vút cao giục bước chân muôn người về với cõi thiêng để kiếm tìm những niềm tri ân trắc ẩn: “Tôi đã về đây hỡi con sông La trong xanh thầm lặng. Tôi đã về đây hỡi hỡi bến Sông La gợi nhớ gợi thương.. ”. Thế rồi, âm nhạc bỗng trầm hùng, tựa như lời son sắt hứa với Đồng Lộc: “Tổ quốc của tôi! Tổ quốc của tôi! Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ…”. Chợt nghĩ, Đồng Lộc đã là nơi kết tinh, hội tụ và cũng là nơi lan toả những khúc tráng ca. Tất cả đã bất tử cùng núi sông để chỉnh thể đất nước này mãi vẹn nguyên và ngày càng tươi đẹp.