Chưa thể giải mã
Những câu chuyện liên quan đến tiên tri, hay giác quan thứ sáu, luôn gây hoài nghi bởi lẽ nhiều trường hợp bị phát hiện dùng xảo thuật hoặc được truyền thông bơm thổi quá mức để phục vụ lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, nhiều trạng thái tâm lý bất an, nóng ruột về các sự kiện không hay hoặc các hiện tượng vật lý như nháy mắt, co cơ bắp vào một số thời điểm nhất định lại vô cùng phổ biến.
Khoa học vẫn chưa có đủ bằng chứng tin cậy về bản chất thực sự của thần giao cách cảm, và khẳng định liệu việc “truyền” suy nghĩ là thật hay không. |
Nhiều người tin rằng, đây là dấu hiệu của linh tính về những biến cố, xuất hiện khi suy nghĩ hoặc cảm xúc của một người được “truyền” vào tâm trí của người khác thông qua một khoảng cách mà không cần sự tham gia của các giác quan thông thường. Theo đó, thần giao cách cảm diễn ra rất tự nhiên, khiến nhiều quốc gia như Mỹ, Anh hay Nga đã và đang tiến hành hàng loạt thí nghiệm khoa học để nghiên cứu khả năng kỳ lạ này.
Một vài lý do được viện dẫn để chứng minh thần giao cách cảm trên phương diện khoa học. Đó có thể là sự tồn tại của năng lượng sinh học - trường vật chất mới hoàn toàn khác các trường vật lý đã biết, hay lý thuyết về ý thức tập thể, mà theo nhiều nhà khoa học, tạo nên cơ chế dẫn truyền ý nghĩa giữa các bộ não. Một lý giải khác liên quan đến điện từ sinh học, nhận định suy nghĩ thực chất là các hoạt động điện hóa tại các tế bào thần kinh trong não.
Các xung điện hóa sẽ tạo ra sóng điện từ trong và xung quanh não, và những sóng này sẽ tạo nên các “rung cảm” được bộ não truyền ra ngoài hướng tới người khác. Thời điểm thể hiện khả năng thần giao cách cảm tốt nhất xảy ra khi cơ thể rơi vào trạng thái căng cứng, cùng với sự gia tăng hormone adrenaline và noradrenalline (làm tăng nhịp tim và lượng đường huyết).
Dù vậy, khoa học vẫn chưa có đủ bằng chứng tin cậy về bản chất thực sự của thần giao cách cảm, và khẳng định liệu việc “truyền” suy nghĩ là thật hay không. Bất chấp những hạn chế trong các thí nghiệm về thần giao cách cảm, Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ triển khai chương trình AMC nhằm giải mã về sự hiện hữu của thần giao cách cảm. Cùng lúc đó, các thí nghiệm Ganzfield liên quan đến thần giao cách cảm có kiểm soát (ngăn chặn can nhiễu và sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác) đang được tiến hành để chứng minh thần giao cách cảm của con người thực sự tồn tại ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học chưa đồng tình với thí nghiệm Ganzfeld hay AMC, thẳng thắn bác bỏ mọi kết quả khi cho rằng mọi thử nghiệm còn quá lỏng lẻo vì chưa loại trừ yếu tố ám hiệu ngầm giữa các bên tham gia nghiên cứu.
Những ý tưởng đột phá
Trong bối cảnh giới khoa học loay hoay giải mã bí ẩn về thần giao cách cảm, nhiều chuyên gia nhận định khả năng độc đáo này sẽ trở thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trong tương lai.
Các nghiên cứu phát triển giao diện não người - máy tính (BCI) đặt trọng tâm ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống. |
Đây không hẳn là ý tưởng viển vông khi đã xuất hiện nhiều ý tưởng giúp tạo nên giao diện não người - máy tính (BCI). Ví dụ như Đại học Washington đã phát triển hệ thống “truyền” ý nghĩ thông qua mạng Internet để điều khiển ngón tay. Trong khi đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg khẳng định sẽ sử dụng thần giao cách cảm để thay đổi phương thức giao tiếp giữa người dùng Facebook.
Điều này được chứng minh sau vụ thâu tóm công ty thực tế ảo Oculus, Facebook tuyên bố sẽ giúp mọi cá nhân liên kết suy nghĩ với nhau, cùng trải nghiệm mọi hoạt động trong thời gian thực mà không cần giọng nói hay bàn phím.
Bên cạnh đó, việc Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) giới thiệu thiết bị chuyển thông tin qua não người ở khoảng cách 5.000km mở ra cơ hội hiện thực hóa thần giao cách cảm.
Công nghệ tương tác điện từ với não người được mô phỏng bởi máy điện não đồ không dây có kết nối Internet, ghi lại hoạt động điện do tế bào thần kinh trong não phóng ra, rồi mã hóa thành dạng nhị phân kỹ thuật số bằng các chuỗi 0 và 1. Các chuỗi này được truyền tải thông qua hệ thống robot, sau đó được dịch bởi máy tính và cấy vào tâm trí người nhận thông qua kích thích dòng điện.
Lời nhắn xuất hiện dưới dạng ánh sáng nhấp nháy theo trật tự nhất định trong tâm trí, cho phép người nhận giải mã các thông tin trong lời nhắn. Nhóm nghiên cứu đặt niềm tin vào phương pháp này khi sai số chỉ khoảng 15% (10% giải mã và 5% mã hóa).
Ngày nay, các nghiên cứu BCI đặt trọng tâm ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong quân sự, quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu phát triển các loại mũ đặc biệt giúp giải mã và truyền tải suy nghĩ để binh lính trao đổi thông điệp tác chiến không cần dùng lời nói.
Tại Đức, các nhà khoa học bước đầu thử nghiệm thành công điều khiển máy bay nhờ tâm trí, cho phép hạ cánh trong tầm nhìn kém với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Độc đáo hơn, Công ty công nghệ DeepLocal ứng dụng BCI sản xuất xe đạp, cho phép sang số xe bằng ý nghĩ khi đeo tai nghe sóng não kết nối với điện thoại thông minh gắn vào xe. Bộ trò chơi điện tử EPOC là sản phẩm mới nhất sử dụng BCI giúp nhân vật trong game mang dấu ấn biểu hiện gương mặt của người chơi, hoạt động không cần bộ thiết bị cầm tay.
Dự án gây sốc
Liên quan đến thần giao cách cảm và giao diện BCI, Dự án Neuralink của tỉ phú Elon Musk đang gây được sự chú ý của truyền thông khi vừa nhận đầu tư 200 triệu USD.
Dự án Neuralink của tỉ phú Elon Musk tham vọng cấy chip điện tử vào não người. |
Neuralink tham vọng tiến hành thí nghiệm cấy chip điện tử vào các lỗ siêu nhỏ ở hộp sọ người từ đầu năm 2020 nhờ công nghệ laser nếu được Cục thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Con chip kết nối không dây với tai nghe làm nhiệm vụ truyền tín hiệu đến ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người có chip điều khiển các thiết bị bằng ý nghĩ.
Theo Elon Musk, dự án Neuralink có mục tiêu trước mắt là chữa trị những bệnh nhân mắc bệnh về não, các bệnh lý liên quan đến rối loạn thần kinh và cho phép những người bị liệt có thể kiểm soát tay, chân giả chỉ bằng suy nghĩ từ não bộ.
Tuy nhiên, Neuralink không chỉ dừng ở đó. Elon Musk cho rằng, ở kỷ nguyên 4.0, con người đang dần trở thành những cyborg (người máy sinh học) dưới sự ảnh hưởng của máy tính và công nghệ thông minh. Vì vậy, việc kết hợp cộng sinh giữa bộ não và siêu trí tuệ (máy tính) sẽ tăng cường hoạt động vỏ não cũng như hệ viền trong não người.
Đây được dự báo là bước đột phá giúp con người dung hợp với trí thông minh nhân tạo, nhờ đó mở rộng khả năng giao tiếp chỉ bằng ý nghĩ diễn ra ngay lập tức, nhanh hơn rất nhiều so với phương thức giao tiếp truyền thống như gửi tin nhắn hay đàm thoại. Đồng thời, chỉ cần thêm chút đới lượng tử , con người thậm chí có thể gửi suy nghĩ ra ngoài không gian, tới sao Hỏa - nơi Elon Musk muốn đưa người lên định cư thông qua nhiều dự án vũ trụ của mình.
Tham vọng cháy bỏng về thần giao cách cảm và BCI của Elon Musk sẽ không sớm thành hiện thức nếu Neuralink chưa trả lời được các câu hỏi liên quan đến quyền sở hữu bộ não sau khi cấy chip, quy trình bảo vệ BCI an toàn cũng như tính tương thích với mỗi cá thể tham gia dự án. Các lo ngại khác chỉ ra nguy cơ phần mềm virus độc hại hay tin tặc tấn công các chip trong não, khiến chip bị mất kiểm soát hoặc dừng hoạt động hoàn toàn.
Quan trọng hơn, quy trình cấy ghép thiết bị vào não chính là rào cản lớn nhất, đặt ra thách thức về an toàn sức khỏe khi cơ thể con người có khuynh hướng coi những vật cấy ghép là ngoại lai và đào thải hay không dung nạp. Giới khoa học nhận định, dù Neuralink là một dự án rất táo bạo nhưng dự án này vẫn còn quá viễn tưởng, đối diện nhiều hoài nghi và dè chừng về thành công trong tương lai...