Dự án về bình đẳng giới góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ, trẻ em gái ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 7 tháng triển khai, dự án “Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng chống bạo lực giới” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân tại Hà Tĩnh về vấn đề bình đẳng giới, khẳng định vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, xã hội.

Sáng 22/2, Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả dự án “Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng chống bạo lực giới” tại Hà Tĩnh.

Đại diện đơn vị thực hiện dự án, các sở, ngành liên quan tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Dự án “Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng, chống bạo lực giới” do Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương tài trợ, được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phê duyệt, quyết định cho Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội triển khai tại một số địa phương trên cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Chính sách luật pháp - Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phượng báo cáo kết quả triển khai dự án.

Tại Hà Tĩnh, dự án lựa chọn triển khai trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang, thời gian từ tháng 7/2022 - 2/2023. Thông qua hoạt động truyền thông, tập huấn, dự án nhằm giúp tăng cường nhận thức pháp luật cộng đồng về phòng, chống bạo lực giới; thay đổi hành vi trong phòng, chống, ứng phó bạo lực gia đình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quyên: Cần mở rộng đối tượng, số lượng tham gia để lan tỏa dự án đến nhiều người dân.

Đồng thời, giảm thiểu bạo lực gia đình trên các địa bàn triển khai dự án; giải quyết nguyên nhân bất bình đẳng giới; tăng cường phối hợp đa ngành trong thực hiện chính sách quyền bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ, trẻ em.

Phó phòng Giáo dục nghề nghiệp - Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH Hà Thị Lựu: "Ban quản lý dự án cần bám sát các kế hoạch của địa phương về vấn đề phòng chống bạo lực giới để làm cơ sở triển khai các hoạt động của dự án một cách phù hợp, hiệu quả hơn".

Thời gian triển khai dự án, các địa phương, đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: khảo sát thực trạng thực hiện các quy định, luật về bình đẳng giới, gia đình, trẻ em; tổ chức các khóa tập huấn đào tạo giảng viên cho 105 cán bộ của các địa phương, ban, ngành; truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới cho trên 300 lượt người dân; tổ chức các cuộc thi, giao lưu về bình đẳng giới...

Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình (Hương Khê) Nguyễn Thành Trung: Mong muốn dự án bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế để tăng thu nhập, góp phần tạo vị thế cho phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Các hoạt động đã góp phần giúp cán bộ địa phương, ban, ngành liên quan nắm bắt thông tin, quy định của pháp luật về bình đẳng giới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chính quyền, người dân về vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong phòng chống bạo lực giới; góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, xã hội...

Ông Nguyễn Đình Toán - Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam): "Thời gian tới, trung tâm sẽ nỗ lực kết nối các dự án liên quan đến bình đẳng giới, hỗ trợ đối tượng yếu thế để triển khai tại địa bàn Hà Tĩnh, do đó, mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện để công tác xã hội phát huy hiệu quả".

Tại hội thảo, đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất những vấn đề liên quan nhằm nâng cao hiệu quả của dự án như: cần tăng cường công tác phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, ban ngành liên quan; phát huy vai trò của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; bố trí kinh phí phù hợp để triển khai các dự án về bình đẳng giới; có hướng dẫn cụ thể tiêu chí đánh giá hành vi bạo lực gia đình...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói