Dựa vào cộng đồng để ngăn ngừa "kẻ giết người thầm lặng"

(Baohatinh.vn) - Sau 2 năm triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng mô hình điều trị và quản lý bệnh tăng huyết áp (THA) tại Hà Tĩnh” do Sở Y tế thực hiện, các nhà khoa học đã tìm ra các giải pháp điều trị bệnh THA dựa vào cộng đồng.

Dựa vào cộng đồng để ngăn ngừa “kẻ giết người thầm lặng”

Sau 2 năm điều trị tại trạm y tế phường, huyết áp bà Lê Thị Xuân, phường Thạch Quý (người nhận thuốc) giảm từ 165/70 xuống mức 140/70.

Đề tài đã đi sâu vào nghiên cứu chiến lược điều trị THA. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được các giải pháp quản lý, mô hình điều trị THA có tính khả thi tại cộng đồng dân cư Hà Tĩnh. Thí điểm mô hình này, 4 trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận quản lý, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân.

Nói về quá trình triển khai đề tài, ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho hay: "Bên cạnh quá trình điều tra, nghiên cứu về tình hình bệnh THA tại Hà Tĩnh, chúng tôi thực hiện quản lý, điều trị thí điểm tại 4 trạm y tế: Hương Vĩnh (Hương Khê), Trung Lễ (Đức Thọ), Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Quy trình quản lý, điều trị THA gồm 3 bước: Điều tra, khám sàng lọc phát hiện bệnh THA tại cộng đồng, khám và điều trị nội trú tại bệnh viện, quản lý và điều trị ngoại trú tại cộng đồng (ở nhà, y tế thôn bản và trạm y tế)".

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình quản lý và điều trị bệnh THA tại tuyến y tế cơ sở tại các địa bàn can thiệp. Thành lập các phòng khám quản lý, điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính không lây nhiễm (THA, đái tháo đường) tại các bệnh viện Hương Khê, Đức Thọ, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, với nguồn lực sẵn có (địa điểm và trang thiết bị, bác sỹ chuyên khoa nội, điều dưỡng), thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán, phân loại bệnh, đánh giá tai biến, hướng dẫn theo dõi chăm sóc và quản lý bệnh THA đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng bố trí phòng khám bệnh có đủ điều kiện để chẩn đoán, điều trị bệnh THA với nguồn lực sẵn có (bác sỹ đa khoa, máy đo huyết áp thủy ngân, cân, thước dây, bàn ghế làm việc tại các trạm y tế).

Dựa vào cộng đồng để ngăn ngừa “kẻ giết người thầm lặng”

Công tác tuyên truyền được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh THA.

Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã can thiệp làm thay đổi hiểu biết, thực hành của người mắc bệnh về yếu tố nguy cơ, điều trị, chăm sóc theo dõi, dự phòng biến chứng bệnh THA. Có 435/1.203 người mắc bệnh đồng ý tham gia mô hình quản lý điều trị, đến nay, bệnh đã chuyển biến tích cực.

"Hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai nhân rộng khoảng 150 trạm y tế toàn tỉnh" - ông Dũng nói thêm.

Là một trong những bệnh nhân tham gia mô hình quản lý điều trị bệnh THA dựa vào cộng đồng, ông Lê Văn Công (70 tuổi, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi mới phát hiện bệnh, tôi phải lên bệnh viện thành phố khám, lấy thuốc, tốn nhiều thời gian, công sức. Hiện tại, về điều trị ngoại trú tại phường, tôi được cán bộ trạm y tế tận tình kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng phác đồ và tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Chi phí khám chữa bệnh thấp hơn nhiều lần. Kết quả, huyết áp tôi giảm từ 155/70 xuống còn 140/70".

Theo ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN, đề tài được Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện người dân và tuyến y tế cơ sở (sử dụng chính hệ thống y tế thôn bản, trạm y tế, bệnh viện huyện) phù hợp với nguyên lý y học gia đình. Khi ứng dụng kết quả nghiên cứu sẽ giảm được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên như hiện nay. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí khám, điều trị cho người dân (theo tính toán chi phí chỉ bằng 1/4 tuyến huyện, bằng 1/7 tuyến tỉnh, giảm chi phí đi lại và các chi phí khác kèm theo).

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.