Người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt, không uống rượu bia không rõ nguồn gốc |
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân khiến 8 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia đối với 3 mẫu rượu được lấy tại đám cỗ cho thấy, hàm lượng methanol vượt hàng nghìn lần so với ngưỡng cho phép.
BS. Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu cũng cho biết, kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của 10 ca ngộ độc đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu do Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cung cấp cũng có tới 8 trường hợp có nồng độ methanol trong máu cao, thậm chí có trường hợp ca bệnh có nồng độ methanol trên 326 mg/dL, trong khi thông thường nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL được coi là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng.
Với những kết quả kiểm nghiệm này, Cục ATTP bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do các nạn nhân sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, theo quy định, trong rượu chỉ được phép chứa cồn thực phẩm (ethylic), còn methanol (một dạng cồn công nghiệp) không được phép có trong rượu. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một hàm lượng methanol tự nhiên sinh ra khi sản xuất rượu, nhưng với lượng rất thấp.
Vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013) có quy định, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ.
Với kết quả xét nghiệm ban đầu đối với các mẫu rượu trong vụ nghi ngộ độc tại Lai Châu có thể thấy, rượu này thành phần chính là methanol hòa với nước để tạo ra rượu và bán cho người tiêu dùng.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, rượu này uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh, thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.
“Người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp, các cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu truyền thống”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Bà Trần Thị Trang cũng cho biết, nếu nhìn bằng mắt thường, ngửi hoặc nếm thì rất khó nhận biết rượu có chứa methanol hay không, vì vậy, người tiêu dùng nên mua những loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như: Tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với nam giới, nếu uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày đã được coi là lạm dụng rượu. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Mỗi đơn vị rượu tương đương: 1 lon bia 270-330 ml, hoặc 125 ml rượu vang, hoặc 40 ml rượu 40 độ.
Đối với phụ nữ mang thai, nếu uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.