Dưới ánh sương mai

(Baohatinh.vn) - Len ôm con gà vào bụng, bước thấp cao trên con đường đầy đá sỏi. Mẹ quang gánh đi phía sau. Sương sớm đùn lên hai bên con dốc, những ẩm ướt và thoáng lạnh sớm mai phủ buông trên bóng hai người lầm lũi đi về phía chợ...

Len choàng tỉnh.

Nó vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ, trong giấc mơ, con gà trống Tỏi đứng ngay đầu giường nhìn nó chằm chằm. Cái mào đỏ bầm tím như màu tiết, đôi mắt to rịn ra hai giọt nước óng ánh sắc bạc từ từ lăn ra rồi rơi xuống đất. Giấc mơ trông thật đến nỗi Len cứ tưởng con gà đã bay từ ngoài chuồng vào đây, khiến nó bất giác quờ tay mà chẳng thấy.

Len yêu thương Tỏi như với một con người... (Ảnh minh họa).

Len yêu thương Tỏi như với một con người... (Ảnh minh họa).

Len tỉnh hẳn. Thằng bé hé mắt nhìn ra ô cửa tít trên cao, qua khung cửa sổ tò vò, làn ánh sáng yếu ớt và mỏng manh chỉ đủ xuyên suốt một khoảng trống tầm sải tay chưa kịp chiếu xuống giường đã bị bóng tối vùi lấp.

Thì ra trời chưa sáng. Len thở phào ngả mình trở lại tấm nệm cũ, những độn bông lâu ngày dồn hết chỗ này sang chỗ khác khiến mặt nệm trở nên mấp mô như chứa vô số hòn sỏi nhỏ. Suốt đêm qua đến nay, đầu óc Len cứ chập chờn, nó ngủ mơ mơ màng màng, khác hẳn mọi khi, leo lên giường là đánh liền một mạch đến sáng.

Tất cả bởi tối qua mẹ bảo Len hôm nay đi chợ.

Trong bữa cơm chỉ tuồng canh và vài miếng dưa món muối xổi còn ngai ngái vị cà rốt chưa kịp chín, mẹ buông ra một câu gọn lỏn:

- “Mai Len mang gà trống đi chợ bán nha con”.

Len thả đũa xuống mâm, nó lắp bắp:

- “Con... con... nào... hả mẹ?”

Mẹ Thiềm không nhìn nó, với tay chan thìa canh bỏ vào bát.

- “Thì con gà trống Tỏi..., sắp tới nhà mình cần sắm sanh nhiều thứ lắm”.

Khuôn mặt Len thuỗn như bèn đu đủ, mẹ nói nhỏ nhưng đủ để thằng bé đang nghệt ra nghe thấy:

- “Dạo này giá cả leo thang, bì gạo đầu tháng giá khác, cuối tháng giá khác, nuôi con gì khổ con nấy”.

Một cảm giác kì lạ trào lên trong lòng Len mà nó không biết diễn tả chính xác là gì, miếng cơm đang nhai dở nghẹn lại trong cổ họng.

Len nhớ mùa xuân năm nay cũng là mùa xuân đầu tiên ở làng Son, hôm ấy trời ấm nhẹ, mưa phùn rây trên những vạt hoa cúc hải đường treo trên tường rào nhà văn hóa thôn. Mùa xuân là mùa của hoa, mùa của những chú chim hét nhỏ. Giống chim hét màu đen tuyền bay rất thấp lủi vào các bụi cây, dân làng hay đặt bẫy để làm mồi nhậu.

Len không thích ăn thịt chim, Len không thích người ta bắt chim. Nếu loài người cứ ăn hết tất thảy thì cá, tôm ngoài biển cũng cạn hết mà đàn chim sẽ chẳng còn, Len nghĩ thế. Bởi vậy, Len tha thẩn theo coi người ta bẫy chim rồi lại lén đi tháo bẫy. Chỗ này thằng bé bẻ gãy thanh công cụ, chỗ khác cắt đứt sợi cước giăng trong lùm. Nhưng một hôm trong lúc rúc vào khoảng đất trống nằm xen giữa các bụi cây lăn lóc quả cọ chín nẫu rụng xuống để gỡ một cái bẫy, thằng bé bị thợ săn chim phát hiện.

- “A, thì ra là thằng con không cha! Đồ phá hoại!”.

Gã đàn ông với khuôn mặt tái ngăm đang đỏ dần lên vì giận dữ gầm lên nhìn nó.

- “Phen này ông cho mày biết tay!”

Len hoảng hồn. Nó co giò chạy. Nó chạy thục mạng băng qua lùm cây, qua cánh đồng, dưới làn mưa phùn mỗi lúc càng nặng hạt, đến khi dừng lại thở dốc ngước nhìn lên thì, ôi thôi, xung quanh xao xác rừng mận gai trắng như bông. Len chẳng thấy bóng người nào hết.

Mệt, đói, lạnh. Thằng bé ngồi thụp xuống. Nước mưa đã bắt đầu ngấm qua chiếc áo len rộng thùng thình bà Tư đầu làng cho nó tháng trước, thấm vào da khiến Len rùng mình. Một cảm giác buốt đến tận xương.

- “Mẹ ơi, mẹ ơi”! Len gọi to.

Đáp lại nó chỉ có tiếng mưa và âm thanh của hoa rơi lả tả xuống đất sau mỗi đợt gió lạnh lùa tới. Len nhìn quanh, rừng mận dại trắng bao lấy thằng bé gầy nhom gầy nhách. Những cành cây nâu giòn mang đầy hoa tuyết chĩa lên cao, lặng lẽ, thản nhiên đón mưa bụi mỗi lúc càng nặng hạt.

Trời sắp tối mất rồi, Len phải làm sao đây.

- “Mẹ ơi, cứu con”! Len lẩm bẩm khẩn cầu trong cổ họng. Rừng mận vẫn im lìm như muốn nhốt lại những điều bí mật.

Chính lúc ấy nó nhìn thấy con gà trống Tỏi.

Đó là một con gà rừng cũng gầy nheo chẳng khác gì thằng bé, bị kẹt hai cánh giữa bụi dứa dại và gốc mận, bên cạnh là buồng dứa mổ dở bong ra lớp ruột vàng dưới vỏ gai xù xì.

Len nhìn con gà có vẻ đã kiệt sức sau khi cố vẫy vùng để thoát ra. Chẳng nghĩ ngợi thêm, nó tiến về lùm cây, gạt đám cỏ gai cào lên da thịt, thót bụng dùng hết sức lôi con vật ra. “Pạch”. Cả người và gà ngã nhào xuống đất.

Con gà dường như nhận thức được tự do, mặc kệ cái chân bị thương, nó vươn chiếc cổ đỏ rực, khoan khoái gáy vang: “ò ó o”.

Ấy thế mà nhờ tiếng gà gáy đó mẹ Thiềm tìm được Len. Trong buổi chiều mà mọi lối tìm kiếm đều đi vào ngõ cụt, bất giác chị nghe thấy tiếng gà gáy vang phía rừng mận dại. Giống như linh tính mách bảo, chị đi về phía âm thanh cất lên. Thế rồi chị nhìn thấy đứa con trai, lúc này đang co ro vì rét vẫn cố ôm con gà bị thương trước bụng.

Bởi chuyến đi lạc trong rừng mận và duyên kỳ ngộ mà con gà rừng đã trở thành vật nuôi trong nhà Len. Len đặt tên cho con gà là Tỏi vì nó có cái chân trụi lông trắng hếu như thứ củ mẹ hay dùng để nấu ăn. Trong ngôi nhà mà mẹ bận bịu tất tả sớm hôm, những thứ đồ chơi sắc màu bán đầy hàng quán là ước mơ xa xỉ, tivi thỉnh thoảng phải chạy sang coi ké nhà hàng xóm, con gà bỗng trở thành người bạn thân thiết. Ban đầu, Len buộc con gà vào một sợi dây, thằng bé kiếm những hạt ngô vỡ còn sót cho Tỏi ăn, đến ngày con gà bén hơi, Len thả nó đi quanh khu vườn, chơi trò bắt giun ném về phía con gà đang chờ chiến lợi phẩm. Tối về, Len để Tỏi vào một chiếc chuồng bằng tre cũ. Len yêu thương Tỏi như với một con người. Ấy vậy mà…

Nhưng mệnh lệnh của mẹ đã ban ra, có nghĩa là - sẽ dĩ nhiên phải thế - không cách gì làm khác được. Từ ngày mẹ dắt Len trở về làng Son với bức ảnh ba Thiềm dựng trên ban thờ, theo sau đó bao ánh mắt hiếu kỳ và những lời xì xầm râm ran ngôi làng nhỏ từng là quê ngoại của mẹ thì Len đã quen với việc thực hiện mệnh lệnh, kiểu: không kể chuyện nhà mình nghe Len, không trả lời ba con đâu, không tụ tập chỗ tụi nhỏ hay ném đá ngoài đường cái, không nhận đồ người lạ.

Mẹ Thiềm vốn là thế, nhiều lần Len cũng định hỏi tại sao, tại sao không được như này, không nên thế kia, nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm khắc của mẹ, nhìn mẹ mệt mỏi trở về nhà sau một ngày tất bật bán hàng ngoài chợ, Len lại thôi. Len nghĩ, nếu nó vâng lời, mẹ sẽ đỡ buồn, nếu nó vâng lời, mẹ sẽ thôi không khóc, như hôm ai đó ngang qua nhà buông lời cay độc: “Ngữ đàn bà sát chồng”...

Len nằm quay qua quay lại một lát thì nghe tiếng gà te te gáy. Gáy gì hỡi gà, có gì vui mà gọi, mày có biết tao sắp phải tiễn mày không hả gà. Thằng bé buồn chiu hiu, nằm một lát không đặng, nó bật dậy, mặc thêm chiếc áo gió đã sờn rách rồi nhảy tâng tâng trên đất ba bốn vòng cho ấm người.

Len mở cửa bước ra, bên ngoài trời còn chưa sáng rõ, khu vườn ẩn hiện trong lớp sương dày và buốt. Hơi lạnh đột ngột ập đến làm Len khẽ rùng mình, nó kéo cao cổ áo, xuýt xoa. Len dẫm lên lớp cỏ mềm, làn nước đọng trên cỏ suốt đêm qua quệt vào chân, Len vẫn tiếp tục bước đi tìm con gà trống Tỏi.

- “Không có ở đấy đâu” - giọng mẹ Thiềm đột ngột vang lên làm Len hơi giật mình. Thằng bé lúc cúc quay lại.

Mẹ Thiềm đứng ở góc sân, cái lồng đan bằng tre úp bên cạnh. Vậy là không có cách nào nữa, mọi sự coi như đã an bài. Len lại gần cái lồng gà nhỏ như cái nơm, nó nheo mắt nhìn vào trong, con gà trống Tỏi với bộ lông đỏ rực lấp lánh trong ánh sáng mờ tỏ. Len đưa ngón tay chạm nhẹ lên con vật, con gà rụt cổ lại, rồi dường như nhận ra Len, nó vươn cánh ra khoan khoái, quay đầu mổ lóc cóc lên tay thằng bé.

Mẹ Thiềm ngồi một bên, tay kết rau dền thành từng bó, vờ như không nhìn thấy. Chị biết rõ thằng con trai mình quý con gà đến mức nào. Nhưng chị đang cần tiền để lo cho Len, góp nhặt bòn bán đỡ được chút nào hay chút đó. Với lại, nó đâu thể ôm con gà mà chơi mãi.

z5472401125270_e18382a7e568eba3c66cbec2e9e45259.jpg
Mẹ Thiềm biết rõ con trai mình quý con gà đến mức nào...

Len líu ríu bước ra, bên trên chiếc gánh những thứ bó rau xanh đỏ, hoa chuối trong vườn xếp ngay ngắn vào hai cái thúng.

Mẹ Thiềm thò tay vào giỏ bắt con gà đã buộc dây trao vào tay đứa con gầy guộc mặc chiếc áo sờn vai với khuôn mặt mếu rệu như sắp khóc. Con gà quay quay trong giỏ, ngó đầu thấy ánh sáng liền giật giật vỗ cánh vươn vai định gáy tiếp, nhưng lần này hai cánh nó đã bị buộc lại với nhau khiến con vật tiu nghỉu rụt cổ lại.

Len ôm con gà vào bụng, bước thấp cao trên con đường đầy đá sỏi. Mẹ quang gánh đi phía sau. Sương sớm đùn lên hai bên con dốc, những ẩm ướt và thoáng lạnh sớm mai phủ buông trên bóng hai người lầm lũi đi về phía chợ.

Thế là phải bán mày thật sao hả Tỏi. Trưa nay ai sẽ đào giun, ai sẽ bẻ ngô cho mày ăn? Họ sẽ nuôi mày hay bỏ mày vào nồi thịt? Nghĩ đến đó Len thấy rùng mình, nó không dám nghĩ tiếp nữa. Con gà dường như cũng cảm nhận được không khí đặc biệt của sáng nay, nó ngó ngoáy nhìn quanh, họng gừ túc túc.

Đi được một đoạn, chợt Len lại nghĩ ra một chuyện, nó dừng lại đợi mẹ, mẹ Thiềm ở tít sau, gánh hàng oằn trên lưng, bước chầm chậm.

- “Hay là con nghỉ học hả mẹ?”. Len hỏi khi mẹ Thiềm vừa tới, mắt tròn xoe chờ đợi. Nếu nó nghỉ học mẹ sẽ đỡ vất vả khi nuôi nó, mẹ cũng không phải bán con gà nữa.

Mẹ Thiềm lặng đi.

Chao ôi, nhìn thằng con xanh mét với đôi mắt sáng rỡ như tìm ra được một ánh sáng cuối đường hầm ôm khư khư con gà trên tay như ôm báu vật mà chị chua xót biết bao nhiêu. Đời nó đã không còn cha, lẽ nào chị lại tước nốt món quà mà nó quý nhất.

Chị lặng người đi.

Thằng bé nhìn mẹ, phấp phỏng chờ đợi.

- “Len à, con mang con gà về nhà đi. Mình không bán nữa” - mẹ Thiềm nói khẽ.

Thằng bé nhảy cẫng lên.

- “Thật hả mẹ”?

Rồi dường như sợ chị đổi ý, nó co giò chạy một mạch xuống con dốc, vừa chạy vừa nhảy chân sáo.

“Ơ”... Chị định gọi với theo dặn nó tháo dây buộc cánh cho gà, nhưng bóng thằng bé đã mất hút.

Sương sớm vãn dần, hai bên đường những bông hoa bươm bướm cánh trắng li ti phủ những hạt nước màu óng ánh.

Xóc quang gánh trên vai, chị Thiềm khẽ mỉm cười, bước đi.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Thời tiết khá tốt, nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, giao thông thuận tiện... là những yếu tố quan trọng giúp các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh thu hút hơn 734 nghìn lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình với những bãi biển cát mịn, nước trong, nhiều làng chài cổ có tuổi đời hàng ngàn năm. Về Hà Tĩnh, du khách không chỉ được đắm mình trong làn nước biển xanh trong, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn được nghe những huyền tích thú vị.
Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Dù là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh.
Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Hồng Huy là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ với danh xưng: “kẻ sĩ Ngàn Hống”.
Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Duyên nợ với thi ca đã giúp thầy giáo dạy Sử sinh ra từ miền quê mặn mòi ven biển Đỉnh Bàn (TP Hà Tĩnh) đến với những vần thơ thấm đẫm phù sa quê hương. Trương Ngọc Ánh làm nhiều thơ, đủ các thể loại nhưng nhiều nhất, đặc sắc nhất vẫn là những bài thơ lục bát.
Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã góp phần xây dựng được một nền VHNT dày dặn. Với hàng ngàn tác phẩm trên các lĩnh vực,  phản ảnh sinh động về sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử.
Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đã 50 năm nhưng âm hưởng hào hùng của những ngày tháng khói lửa vẫn vẹn nguyên bởi những ca khúc đi cùng năm tháng. Lời ca tiếng hát đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, hun đúc tâm thế của cả dân tộc cùng ra trận và làm nên chiến thắng 30/4/1975.
Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Hai người bạn già ngồi bên nhau, nhấp từng ngụm trà cảm nhận vị đắng chát tan ra trong khoang miệng. Rồi chỉ còn lại vị ngọt cứ mênh mang nơi cuống họng. Ánh mắt họ hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng treo trước cổng nhà đang tung bay trong gió…
Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tối 29/4 - rạng sáng 30/4, hàng nghìn người dân tập trung trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM để chờ xem Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Tối 28/4, 10.500 drone lần lượt thắp sáng bầu trời TP.HCM trong khoảng 7 phút, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt hình ảnh biểu tượng như Bác Hồ, Dinh Độc Lập...
Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Đây là sự kiện khởi động cho mùa du lịch biển sôi động năm 2025, góp phần quảng bá vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn của vùng biển Thạch Hải (TP Hà Tĩnh) đến với du khách gần xa.
Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Bước đi trong lòng địa đạo, cô thấy tim mình rung lên trong lồng ngực. Còn người cựu chiến binh già, có biết bao hồi ức đẹp ùa về, hồi ức về một thời binh lửa...
Podcast tản văn" Về đâu tháng Tư

Podcast tản văn: Về đâu tháng Tư?

Rồi mùa hạ sẽ bước những bước chân dập dồn mạnh mẽ, cái nắng non nớt run rẩy tháng Tư sẽ thay bằng những trận nắng trập trùng tháng Năm, tháng Sáu...
Những bài ca bất tử…

Những bài ca bất tử…

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa nay đã trở thành những địa chỉ đỏ. Bài ca bất tử về những người đã sống, chiến đấu trên quê hương Hà Tĩnh vẫn còn vang vọng mãi...
Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch toàn cầu

Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch toàn cầu

Nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu Trip.com vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Trip.Best toàn cầu năm 2025, vinh danh những điểm lưu trú, nhà hàng và điểm tham quan được yêu thích nhất trên thế giới. Trong đó, Việt Nam gây ấn tượng mạnh với 38 đại diện đến từ 11 tỉnh, thành phố trải dài khắp ba miền, góp mặt ở cả ba hạng mục chính.