Truyện ngắn: Đào phai

(Baohatinh.vn) - Lạ nhỉ, đào gì mà bông to như cái cúc áo đại cán, lại còn nhiều cánh nữa chứ. Những cái nụ bụ bẫm căng mọng và phớt hồng. Cả những mầm lộc mỡ màng. Dáng dấp thì đúng con rồng rồi. Tết rồng thì phải chơi đào này mới chuẩn...

Ông Phàn ở làng Lủ còn ế bốn gốc đào phai.

Cái tin ấy loang đi khắp ngõ ngách làng xã, có khi tới cả phố huyện chứ chả đùa. Những nhà đã sớm mua được đào thì tỏ ra dửng dưng. Có người còn buông lời dè bỉu. Nào, chả ngồi đó mà cương. Những người năm nay không chơi đào núi mà chọn quất, mai thay thế thì phân tích mổ xẻ. Mọi năm cho thuê có hai trăm bạc một ngày, năm nay tự dưng tăng lên ba trăm. Chơi đến rằm tháng Giêng thì toi ngót năm triệu, có mà điên. Còn những người vì lý do nào đó chưa mua, chưa thuê được đào chơi tết thì khấp khởi lắm. Giờ mới giữa Mùi thôi, ông Phàn thường chốt đào vào giờ Dậu cơ mà. Lo gì. Đắt thì chỉ thuê bảy ngày tết rồi gọi chủ đem xe kéo về.

Truyện ngắn: Đào phai

Người ta mê đào nhà ông vì những gốc đào rất đẹp, tư thế lạ, đầy sức sống, nụ căng, hoa to và chồi điểm... Ảnh: Internet

Làng Lủ nằm bên cạnh quốc lộ. Mùa xuân, hễ có việc đi qua ngôi làng này, không có ai có thể bước nhanh. Ngôi làng cổ nằm trên những quả đồi tròn trịa xanh mướt, đẹp như một bức tranh. Bức tranh của những sắc màu thanh khiết. Màu trắng của hoa cam, hoa bưởi. Màu hồng, màu đỏ của hoa đào, đỗ quyên. Màu xanh hừng hực của chồi non. Và màu khói lam huyền ảo nương theo những sóng mái nhà vườn đổ vào nền trời thăm thẳm.

Cả làng Lủ ai cũng biết ông Phàn là chủ nhân của vườn đào phai với khoảng ba chục gốc mà ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Thấy bảo, có gốc đào đã dăm chục năm tuổi. Ông không bán đào, vì với ông, đào là con. Ông đặt tên cho từng đứa. Đến tết, ông cho người ta thuê trưng, xong lại kéo về vườn chăm chút, phục hồi, nâng niu. Với từng cây, ông thỏa thuận thời gian cho thuê tối đa là bao ngày, muốn thuê lâu hơn cũng không được. Ví dụ, chậu này ông có thể cho người ta thuê tới nửa tháng, nhưng chậu kia, ông giao hẹn chỉ mười ngày ông tới chở về. Ông cũng chỉ chơi đào phai. Ai có hỏi ông về những loài đào khác như bạch đào, bích đào, thất thốn, ông chỉ cười.

Một lão nông hiền lành, chất phác chỉ cười khi giao lưu với khách khiến khách ngỡ ngàng. Vì người thành phố lên thuê đào tết của ông nhiều lắm. Tranh nhau là đằng khác. Có người thuê liền chục năm chỉ một gốc ấy, đến hẹn khiêng về, không đổi sang gốc khác vì họ thấy gốc đào tết ấy đem lại sự bình an cho gia đình họ. Cứ đến độ ông Táo lên trời là vườn sạch bách rồi.

Ông cứ rủ rỉ, cứ cười cười, không tranh khôn, không so bì, không tự đề cao tay nghề của mình bao giờ. Người ta mê đào nhà ông vì những gốc đào rất đẹp, tư thế lạ, đầy sức sống, nụ căng, hoa to và chồi điểm. Đã thế, đào chơi hết cả tháng Giêng còn không muốn trả vì còn thấy nụ còn tiếc. Giá thì phải chăng, chủ đào dễ tính.

Truyện ngắn: Đào phai

Độ giữa tháng Chạp, đi qua nhà ông Phàn, liếc vào vườn thấy đào đẹp thì họ bảo năm nay thời tiết ủng hộ nhà nông, Nhà nước làm lịch chuẩn chỉ. Ảnh: Internet

Năm nay, cứ cho là kinh tế khó khăn đi, thì cũng làm gì đến nỗi không đủ tiền mà thuê một gốc đào. Hay là ông Phàn để dành hoa cho ai đó mà nay họ “bom”? Cái chuyện lật kèo, đánh tháo, “bỏ bom” giờ đâu có hiếm. À thì dư luận cứ quan tâm thế, chứ đã có thông tin gì chính chủ đâu. Người làng Lủ ăn tết muộn nhất vùng này nhưng lại là tết dài nhất vùng này. Có năm, qua lễ hội tịch điền cả tuần mới hết tết. Năm nay, chủ đề hoa chơi tết được nói nhiều là bởi thời tiết khắc nghiệt, trồng trọt, chăn nuôi đều không thuận.

Như đã thành thói quen. Độ giữa tháng Chạp, đi qua nhà ông Phàn, liếc vào vườn thấy đào đẹp thì họ bảo năm nay thời tiết ủng hộ nhà nông, Nhà nước làm lịch chuẩn chỉ. Còn nếu thấy đào thưa bông, nụ gầy thì họ bảo thời tiết ẩm ương, lịch giờ tính thế nào ý. Trên lịch đã lập xuân mà dưới vườn vẫn đông giá. Nói chung là ít người có thể thờ ơ khi đi qua nhà ông Phàn vì từ độ đầu tháng Chạp ông đã đưa đào từ trong vườn ra sân, giống như triển lãm, để cho những ai không có tiền thuê cũng thoải mái ngắm.

Những thằng đào ế là thằng nào?

Họ hỏi nhau thế đấy. Vì họ còn thuộc tên từng đứa con cưng của ông Phàn. Một chị đem bánh chưng biếu nhà mẹ về qua sân đào, nhỏ to với chồng: “Lão Phàn lỗ to rồi. Ế nguyên bốn thằng Long, Ly, Quy, Phụng”. Chồng chị cười khẩy. Lỗ gì mà lỗ, lão có buôn bán gì đâu mà lỗ. Chả có người thuê thì để đấy chơi tất, đã sao nào.

Ba mươi chưa phải là tết, nhá. Chị vợ ngúng ngoảy. Ba mươi chưa phải tết thì mùng hai đã phải chưa hả? Không phải lỗ tiền bạc, mà là lỗ công sức bỏ ra chăm chút ấy. Anh chồng tỏ ra sành sỏi: Tôi tận mắt chứng kiến hôm nọ có một cái công ty to dưới thành phố đem cả ô tô tải lên chở luôn bốn thằng Như, Ý, Cát, Tường. Vợ đuối lý phụng phịu: “Tôi không thích thằng Tường, nom cứ ngơ ngơ ra, được mỗi cái bông to. Tôi thích thằng Quy hơn vì bông sai chi chít và vừa tầm ngắm, không cao quá. Giá như nhà mình cũng có chậu đào ế mà chơi, nhể?”.

Năm nay dân làng Lủ vinh dự đón quyết định công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới. Đường sá, nhà văn hóa, các công trình công cộng được làm mới, tu bổ gọn gàng, sạch đẹp. Thế nên trưa ba mươi tết, dù rất bận rộn thì bà con quanh khu nhà văn hóa vẫn bỏ ra độ một giờ để dọn dẹp, quét tước nhà văn hóa, sân bãi, chuẩn bị cho chương trình đón xuân đầu năm. Mà các bà đã tụ tập ở đâu thì ở đó râm ran inh ỏi như chợ. Hết chuyện lợn, gà, gạo, nếp lên giá đến chuyện tiền nong khó kiếm. Hết chuyện đứa nọ bỏ đứa kia đến chuyện thằng con nhà ông A năm nay ăn tết nhà vợ, đứa con gái ông B năm nay ăn tết ở nước ngoài không về đến chuyện nhà ông Phàn vừa làm vừa chơi, tết nào cũng có cục tiền to thu nhập từ đào.

Ông Phàn năm nay mới bảy mươi mà tóc bạc trắng như cước. Họ Lã ở làng Lủ hình như có mỗi ông ấy. Ông Phàn sống trên đất của bố mẹ nuôi là người họ Lã. Nhưng ông bà cụ dắt tay nhau về với tổ tiên từ lâu rồi. Giờ đất ấy, chỉ còn ông Phàn. Ông Phàn góa vợ, nuôi hai đứa con trai, hiện cả hai con đều công tác, lập nghiệp ở thủ đô, không anh nào về làng sống cùng ông. Mỗi thân mỗi mình mà làm gì lắm cho cực thân.

Người ta đang bàn tán sau lưng ông Phàn thì ông Phàn lừ lừ bước vào, ông đứng ở thềm nhà văn hóa nhìn vào trong nhà qua cửa sổ, rồi ông lại nhìn ra sân, bao quát một lượt như địa chủ đi thăm đất. Rồi chẳng nói chẳng rằng, ông quay đi.

Một bà gọi với theo. “Ông vào giúp chị em tôi một tay nào, khiêng hộ cái bục ra sân để cọ với, nặng quá”. Ông Phàn quay lại, vật nghiêng cái bục gỗ ra, nhấc lên vai nhẹ bẫng như vác bao trấu, đi thoăn thoắt ra sân rồi hỏi: Bà bảo để ở đâu? Bà kia chỉ chỗ vòi nước và bảo để ở đó chị em tôi cọ, tự dưng lại đi sống gần với nhà văn hóa nên năm nào cũng ngửa ngực ra quét quáy.

Ông Phàn đặt cái bục gỗ xuống, phủi tay rồi đi về. Tầm hai chục phút sau, khi ai chuẩn bị về nhà nấy thì thấy ông Phàn kéo ra sân nhà văn hóa chiếc xe cải tiến, trên xe nghễu nghện một chậu đào tết đẹp điếng cả người. Mấy bà mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Giời ơi là đất, ăn gì mà khéo thế, tôi nhìn ra đúng con rồng các bà ạ. Ông Phàn hạ xe. “Các bà lại đây, giúp tôi một tay, khiêng vào nhà, mai sớm ta khiêng ra thềm để trưng”.

Lần đầu tiên được chạm tay vào đào quý, các bà đâm ra luống cuống. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Ông Phàn bảo, các bà dọn dẹp xong thì khóa cửa cẩn thận nhá, sáng mai trưởng thôn là người mở cửa. Một bà dòm vào tận mặt ông Phàn thì thào: “Làng ta năm nay trích quỹ ra thuê đào thế để chơi tết hả ông? Mà thuê đào chiều ba mươi chắc là rẻ”. Ông Phàn tủm tỉm: “Người thì cho không chả ai rước nhưng đào tôi thì rất đắt nhé”.

Một bà thì công khai luôn ra cái sự tọc mạch mà các bà bàn bạc nát cả buổi trưa nay: “Thấy bảo ông ế bốn chậu cơ mà, ế mà còn đắt à?”. Ông Phàn sục bàn tay còn dính đất lên mái đầu bạc trắng, cười độ lượng: “Ừ, ế bốn chậu. Tôi mới kéo thằng Quy lên chùa, còn thằng Ly lên ủy ban xã, thằng Phụng tôi để trưng ở nhà. Năm tới là năm con rồng, tôi ưu tiên thằng Long cho nhà văn hóa. Các bà đã thấy hợp lý chưa?”. Một bà góa reo lên: “Quá hợp ông ạ”.

Các bà chỉ đon đả với ông Phàn tí thế thôi, sau đó lại xúm xít quanh gốc đào phai. Lạ nhỉ, đào gì mà bông to như cái cúc áo đại cán, lại còn nhiều cánh nữa chứ. Những cái nụ bụ bẫm căng mọng và phớt hồng. Cả những mầm lộc mỡ màng. Dáng dấp thì đúng con rồng rồi. Tết rồng thì phải chơi đào này mới chuẩn. Chậu đào này mà thuê bảy ngày tết bỏ rẻ cũng hai triệu. Nếu mà chơi đến rằm xuân thì phải bốn triệu.

Nông thôn mới có khác, quỹ làng đang sung, tội gì chả chơi. Khách xa gần, con cái đi về, nom thấy cũng phấn khởi. Mà tôi nghĩ, đào sai bông rồi không cần đính hoa giả hay giăng bóng nháy lên đâu các bà ạ. Cái ông Phàn, ai cũng bảo lù khù, hóa ra lõi gạo. Đào ế thì dí lên ủy ban xã, lên chùa, nhà văn hóa thôn, tiền vẫn thu về chả kém đồng nào. Ế thế ai chả muốn ế. Mà chậu này, tôi nghĩ đến bốn chục tuổi chứ chả có ít. Có khi bốn triệu còn rẻ. Năm nay làng Lủ chơi lớn quá đi. Giờ phải khóa cửa rồi về các bà ạ. Một bà quay sang ông Phàn đứng một mình ngoài hiên mà hỏi: “Có phải cho chúng nó uống nước không ông Phàn?”. “Không. Việc đó tôi lo. Nhà kề ngay đây, tôi chịu trách nhiệm hết”.

Truyện ngắn: Đào phai

Minh họa của Huy Tùng.

Bà này thấy ông Phàn thuần tính, được đà hỏi thêm: “Mà này, làng thuê đào ông thật à? Để về tôi còn nói cho vợ chồng thằng con giai tôi biết, nó cứ phao tin ông ế đào suốt mấy hôm đến giờ”. Ông Phàn lại mỉm cười: “Người cũng ế sưng đây. Bà nào thuê tôi về trưng tết thì thuê nốt đi”.

Một bà góa liếc mắt nhìn ông Phàn, như hiểu cái sự ngụ ý ấy nên hai gò má ửng lên rồi lảng chuyện khác. Đang rôm rả với nhau thì ông trưởng thôn cắp cặp đi xuống nhà văn hóa, mắt nhìn xói vào trong nhà, thấy chậu đào quý đã yên vị trên bục, ông quay sang ông Phàn trách nhẹ: “Mình bác kéo xuống đấy à? Chả bảo em để em cử mấy cậu thanh niên, đã mất công cho mượn đào lại còn nhọc quá. Chậu đào thì to thế này”.

Ông Phàn cười thành tiếng: “Tôi cứ xuống đến đây, nghe các bà ấy nói chuyện là thấy khỏe người rồi”. Mấy bà già nghe nói đến từ mượn đào thì ngạc nhiên vô cùng. Ra là thế. Vậy mà làng cứ đồn ngược đồn xuôi, rằng ông ấy kênh kiệu hét giá trên trời nên đào bị “bỏ bom”. Ông trưởng thôn bật cười: “Đúng là các bà... tôi bạc hết tóc rồi chưa thấy ông Phàn ế đào bao giờ. Năm nay, cả vùng này, bao nhiêu làng đón nhận bằng nông thôn mới, đào đẹp còn cháy nhưng ông Phàn giữ lại bốn chậu, cho chùa, xã và nhà văn hóa trưng tết, không lấy xu nào luôn. Ông còn tự kéo đi. Một chậu để ở nhà chơi là vì năm nay các con cháu ông ấy về quê ăn tết đủ đầy. Thôi, xong việc ở đây rồi thì chúng ta cùng về”.

Mọi người kéo nhau về, ông Phàn nấn ná đứng lại, vì vẫn còn một bà đứng đó vờ như quét nốt vài cái lá dâu da xoan vàng óng vừa rơi xuống. Ông Phàn bâng quơ: “Tôi đã chuẩn bị cho bà một chậu nho nhỏ, nó năm tuổi thôi nhưng đẹp lắm. Chốc tôi bưng sang nhá”. Nói rồi, ông Phàn vội rảo bước, cho kịp ông trưởng thôn đang chùng chình có ý đợi. Bà góa đứng sững người, đưa hai bàn tay lạnh buốt áp lên má, để làm dịu bớt cái sự bừng bừng đang lan tỏa. Bất ngờ quá. Tết này, chậu đào phai của một bậc nghệ nhân sẽ hiện diện trong căn nhà của bà. Giờ bà phải về ngay, để còn thu xếp cho cho nó một chỗ xứng đáng. Kẻo lát sang, thấy nhà cửa bề bộn, ông ấy cười.

Chủ đề MỪNG XUÂN GIÁP THÌN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast