Dưới bóng Hoành Sơn

(Baohatinh.vn) - Kỳ Anh non nước hữu tình nhưng xa xưa là nơi binh đao giặc giã và hoang vu, cách trở. Điều kỳ diệu là nơi mảnh đất cực nam Hà Tĩnh này, những cư dân dũng cảm và sáng tạo đã làm nên một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đang vững vàng đi lên trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.

“Lác đác ven sông chợ mấy nhà”

Suốt chiều dài lịch sử, Kỳ Anh là vùng đất xa xôi, “phên dậu” của nước Đại Việt. Nơi đây có nhiều di chỉ lưu dấu của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm. Thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh giặc giã triền miên nhưng Kỳ Anh có phong cảnh đẹp, rừng vàng, biển bạc và nhiều di tích lịch sử văn hóa.

Người dân Kỳ Anh chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh với thiên tai, giặc ngoại xâm, thủy chung trong cuộc sống. Trong quá trình sinh tụ, xây dựng cơ đồ, an cư lập nghiệp, người dân luôn phải chống chọi với thiên tai, địch họa để sinh tồn và tạo dựng nên một vùng quê tươi đẹp có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa.

Dưới bóng Hoành Sơn

Một góc xã Kỳ Nam nhìn từ trên cao.

Nằm trên dãy núi Hoành Sơn (thuộc dãy Trường Sơn) đâm ngang ra Biển Đông nên trong những cuộc chiến chinh, Đèo Ngang trở thành biên trấn vững chãi. Phía Bắc Đèo Ngang là vùng đất thuộc huyện Kỳ Hoa xưa; sau nhiều lần tách nhập địa giới hành chính, đến năm 1841, Vua Thiệu Trị đổi tên huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh.

Từ trong khó khăn, cơ cực, người Kỳ Anh thể hiện được bản chất kiên gan, bền chí. Truyền thống văn hóa của Kỳ Anh được phát huy và lưu giữ nhiều đời với những làn điệu dân ca ví, giặm ân tình của o Nhẫn làng Đan Du, những câu ca trù mượt mà, điệu múa hát sắc bùa rộn ràng trong dịp đón xuân. Kỳ Anh cũng là vùng đất học, từ đời Lê - Mạc đã có người đỗ bảng nhãn, đó là Lê Quảng Chí; có 2 người đỗ tiến sĩ, đó là Lê Quảng Ý và Phùng Trí Tri. Đến đời nhà Nguyễn, Kỳ Anh tiếp tục có nhiều người đỗ đạt cao…

Dưới bóng Hoành Sơn

Những con đường khang trang, xanh mát tại các thôn của xã Kỳ Nam.

Một thời chưa xa, khi nhắc đến xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh cũ), người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Hầu như năm nào, người dân nơi đây cũng phải oằn mình chống chọi với những cơn bão lớn, đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, mùa màng mất trắng khiến đời sống của người dân hết sức khó khăn, những đứa trẻ phải lên đồi hái sim bán dọc quốc lộ, trẻ em bỏ học nhiều. Ông Cao Xuân Chiến - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam nhớ lại. “20 năm trước, Kỳ Nam có đến gần 80% hộ nghèo; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng không đủ cung cấp lương thực nên tình trạng đói nghèo diễn ra thường xuyên. Cả xã chỉ có vài người được học cấp 3, trình độ văn hóa của người dân rất hạn chế…”.

Một vùng non nước

Năm 2015, Kỳ Anh được chia tách thành TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. TX Kỳ Anh bao gồm 6 phường và 5 xã; huyện Kỳ Anh gồm 20 xã. Một lần nữa, vùng đất này lại khẳng định được vị thế và tiềm năng phát triển.

Trên đỉnh Hoành Sơn, phóng tầm mắt nhìn về phía Bắc, vẫn còn đó một vùng non nước hữu tình với những cung đường uốn khúc, những ghềnh đá lô nhô lẫn vào bãi cát biển trắng mịn màng. Xưa nhắc tới Kỳ Anh, người ta nghĩ ngay đến vùng đất đói nghèo, bao phủ bởi gió lào, cát trắng; giờ đây, khắp nơi đều là những công trường, nhà máy rộn ràng, khu dân cư trù phú thay thế cho những ngôi làng lác đác, nhà tranh vách đất.

Dưới bóng Hoành Sơn

Học sinh xã Kỳ Lợi khai giảng năm học mới 2023 - 2024 trên khu tái định cư.

Nhờ có đường hướng phát triển đúng đắn, cấp ủy, chính quyền đã khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân và tạo nên sự đổi thay kỳ diệu bên dãy Hoành Sơn. Sau khi chia tách, TX Kỳ Anh được định hướng phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, thu hút các dự án đầu tư lớn, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao. Bộ mặt vùng quê dưới chân dãy Hoành Sơn theo đó đã thay đổi kỳ diệu.

Dưới bóng Hoành Sơn

Ông Cao Xuân Chiến - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam (người ở giữa) chia sẻ với phóng viên về những đổi thay của địa phương hôm nay.

Dẫn chúng tôi mục sở thị các tuyến đường giao thông nông thôn được thảm nhựa khang trang kết nối với quốc lộ 1, ông Cao Xuân Chiến cho biết: “Kỳ Nam đã đổi thay rất nhiều, không chỉ ở cảnh quan bề ngoài mà còn ở tâm thế của người dân. Cuộc cách mạng NTM cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã làm thay đổi toàn diện cơ sở hạ tầng của Kỳ Nam. Từ chỗ trông chờ ỉ lại, nay người dân cùng chung tay để đưa Kỳ Nam sớm trở thành phường vào năm 2023 này. Từ chỗ tha phương để kiếm việc làm, nay ngay trên chính mảnh đất cằn năm xưa, người dân đã kiếm được hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ trồng cây mai vàng bản địa…”.

Dưới bóng Hoành Sơn

Cây mai vàng bản địa trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế cho người dân xã Kỳ Nam.

Bứt mình khỏi ký ức gian khó, bức tranh của Kỳ Anh hôm nay hiện trong mắt chúng tôi là những sắc màu rộn rã, nhộn nhịp của nhà máy, công trường, hạ tầng khang trang của một đô thị trẻ.

Ngược theo các xã, phường: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Hưng Trí, Kỳ Hà, Kỳ Hoa, Kỳ Ninh, đâu đâu cũng có thể cảm nhận được nhịp sống mới trên vùng đất cực Nam Hà Tĩnh. Với nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư, TX Kỳ Anh đang có những chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa.

Anh Nguyễn Đức Anh (tổ dân phố Hồng Hải, phường Kỳ Phương) cho biết: “Không chỉ ở Kỳ Phương chúng tôi mà tất cả các phường, xã của TX Kỳ Anh đều có sự thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng khang trang, nếp sống đô thị quy củ. Đó là những điều trước đây chưa có”.

Dưới bóng Hoành Sơn

Một góc khu tái định cư Kỳ Phương nhìn từ trên cao.

Hệ thống giao thông kết nối thông suốt với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế địa bàn có Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là KKT động lực đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, cảng nước sâu tầm cỡ khu vực và quốc tế, những năm qua, bằng sự năng động, nhanh nhạy, đoàn kết sức dân, TX Kỳ Anh đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Nhờ đó, diện mạo từ nông thôn đến đô thị của thị xã đã thực sự đổi khác. Trong tiến trình tạo lập và xây dựng thị xã trở thành đô thị động lực của Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị xã đã chung sức, đồng lòng.

Dưới bóng Hoành Sơn

TX Kỳ Anh có "hạt nhân" là KKT Vũng Áng. Hệ thống giao thông kết nối thông suốt với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Trong ảnh: Dự án đường trục chính từ quốc lộ 1 đến khu đô thị trung tâm KKT Vũng Áng.

Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Có được bước phát triển như hôm nay, ngoài chiến lược, tầm nhìn đúng đắn và sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh phải kể đến sự hy sinh, chia sẻ của bà con Nhân dân. Trong năm 2022, những dự án lớn như đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch; dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; đường cao tốc Bắc - Nam; các tuyến đường trong KKT Vũng Áng... đã được tập trung hoàn thành công tác GPMB; xử lý được 81/86 tồn đọng sau khi chia tách…”.

Dưới bóng Hoành Sơn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã theo đúng hướng, các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển. Trong ảnh: Các kĩ sư kiểm tra máy móc tại Nhà máy Pin VinES.

Từ một địa phương nghèo, xuất phát điểm thấp, TX Kỳ Anh đã trở thành vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển của Hà Tĩnh với hạt nhân là KKT Vũng Áng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách trên địa bàn KKT Vũng Áng đạt hơn 37.720 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh, trong đó, thu từ xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã theo đúng hướng, các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2023 ước đạt gần 45.000 tỷ đồng; các khu, cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng, bắt đầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phát triển có chiều sâu của nền kinh tế mà còn là nguồn lực quan trọng để thị xã chủ động trong việc bố trí nguồn đầu tư phát triển KT-XH, chăm lo đời sống Nhân dân trên địa bàn.

Dưới bóng Hoành Sơn

Một góc trung tâm thị xã Kỳ Anh nhìn từ trên cao.

Ông Đặng Văn Thành - Bí thư Thị ủy Kỳ Anh chia sẻ: “Thời gian tới, thị xã tiếp tục tập trung tạo điều kiện để các dự án đã hoàn thành hoạt động hiệu quả; hỗ trợ các nhà đầu tư đã ký biên bản tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh hoàn thành các thủ tục đầu tư… Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện đạo đức công vụ; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững…”.

Video: Thị xã Kỳ Anh hôm nay.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.