Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, tại cuộc họp thống nhất tiến độ triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH cho rằng, đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch, trục giao thông xương sống trên hành lang Bắc - Nam trong tương lai, hướng tuyến bắt đầu từ Hà Nội đến TP HCM, đi qua 20 tỉnh/thành phố với chiều dài khoảng 1.545 km.
Tuyến đi tránh các khu vực địa hình, địa chất phức tạp, nhạy cảm về môi trường và các tiếp cận các đô thị lớn dọc theo hành lang Bắc - Nam. Dự kiến có 23 ga (trong đó có 5 ga chính) và 5 khu Depot.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố với chiều dài khoảng 1.545 km. (Ảnh minh họa: KTĐT) |
Tuyến đường sắt tốc độ cao cần định hướng phát triển đảm bảo cho tương lai lâu dài, hạn chế ảnh hưởng chia cắt cộng đồng và khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, theo đó dự kiến tuyến sẽ đi chủ yếu trên cao và hầm (khoảng 70%). Hiện nay, Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận với các địa phương để thống nhất ý kiến về phương án tuyến, vị trí nhà ga và depot.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị đơn vị Tư vấn tập trung hoàn thiện nội dung Báo cáo đầu kỳ đảm bảo chất lượng để giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia lĩnh vực đường sắt tại cuộc họp báo cáo giữa kỳ ngay trong tháng 8.
Bộ trưởng yêu cầu tiếp thu kết quả nghiên cứu trước đây của các tổ chức quốc tế, nội dung báo cáo phải đầy đủ thông tin về sự cần thiết, các thông số, so sánh công nghệ, tài chính … Đồng thời, Tư vấn làm việc cụ thể với TP HCM, Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An để thống nhất rõ ràng về hướng tuyến, phương án vị trí ga.
Theo kế hoạch dự kiến, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trong năm 2018 trước khi trình Quốc hội xem xét.