Ảnh minh họa |
Điều đáng chú ý là con số 2,2 tỷ tài khoản giả mạo chỉ thấp hơn một chút so với số người dùng hoạt động hàng tháng của mạng xã hội (2,38 tỷ). Quý trước đó, Facebook xóa 1,2 tỷ tài khoản giả mạo.
Con số vừa được công ty đưa ra trong báo cáo Thực thi tiêu chuẩn cộng đồng lần ba. Facebook sẽ bắt đầu công bố báo cáo này theo quý từ năm sau thay vì hai lần mỗi năm và bao gồm cả Instagram.
Trong cuộc gọi cho phóng viên hôm 23/5, CEO Mark Zuckerberg cho biết “hiểu sự vận hành của nội dung độc hại sẽ giúp các công ty và chính phủ thiết kế hệ thống tốt hơn để xử lý chúng. Tôi tin mọi dịch vụ Internet lớn đều nên làm điều này”.
Ngoài ra, Facebook ước tính cứ mỗi 10.000 lượt xem nội dung, chẳng hạn xem video hay xem ảnh, trên nền tảng, lại có 25 lượt vi phạm chính sách nội dung bạo lực và phản cảm. Mỗi 10.000 lượt xem nội dung có 11 đến 14 lượt vi phạm chính sách về hoạt động tình dục và khỏa thân người lớn.
Công ty cũng lần đầu chia sẻ về nỗ lực triệt phá việc buôn bán ma túy và súng cầm tay phi pháp. Trong quý đầu năm 2019, hệ thông đã tìm và đánh dấu 83,3% nội dung ma túy và 69,9% nội dung về súng, trước cả khi có người dùng báo cáo.
Chính sách của Facebook ghi rõ người dùng, nhà sản xuất hay nhà bán lẻ không được mua bán chất gây nghiện không phải thuốc hoặc cần sa. Quy định không cho phép người dùng mua bán, trao đổi hay tặng súng trên Facebook, bao gồm cả đạn dược.
3 tháng đầu năm 2019, Facebook “hành động” với 19,4 triệu nội dung, trong đó 2,1 triệu được kháng cáo. Sau khi kháng cáo, 453.000 nội dung được phục hồi.
Phát ngôn thù địch là “ca khó” đối với Facebook. Hệ thống tự động khó khăn trong việc xác định và xóa bỏ phát ngôn thù địch nhưng công nghệ này đang được nâng cấp. Tỉ lệ chủ động phát hiện là 65,4%. Điều mà AI chưa làm tốt đó là hiểu được bối cảnh. Bối cảnh là thứ quan trọng khi cần đánh giá các nội dung như phát ngôn thù địch.