Gánh hàng rong Hà Nội thế kỷ 20 qua ống kính người Pháp

Cô hàng xén chợ Đồng Xuân, gánh phở dạo hồ Hoàn Kiếm, ở Hà Nội giữa thế kỷ 20, sinh động qua ống kính người Pháp.

Một phụ nữ bán cam trên phố Hàng Buồm vào dịp Tết Ất Mùi (1955). Tác phẩm là một trong hơn 20 bức ảnh được triển lãm tại sự kiện “Gánh hàng rong” - buổi trưng bày nghệ thuật do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tổ chức từ ngày 23/9 đến 5/11 ở Idecaf, quận 1, TP HCM. Triển lãm nhằm gợi lại những ký ức xưa cũ về các gánh hàng rong một thời trên đường phố Hà Nội giai đoạn 1930-1950, nguồn ảnh từ các nhiếp ảnh gia Pháp trong những chuyến công du ở Việt Nam lúc đấy. Từ năm 2008, Hà Nội cấm hàng rong trên nhiều tuyến phố, vỉa hè để giữ không gian công cộng, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.

Một phụ nữ bán cá ở một chợ tại Hà Nội thập niên 1950. Theo Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp) - học giả từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những gánh hàng rong ngày trước chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội (ngày nay đã sáp nhập vào thủ đô) mà trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100 000 người dân nội ô. Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại, với tiếng rao đặc trưng như: “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi.../ Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán nào...”.

Một gánh tiết canh lòng lợn được bày bán trên đường phố. Hình ảnh các bà, các chị ngồi xổm trên đất, bán hàng giữa các sọt mây song, in đậm trong ký ức những người yêu văn hóa, ẩm thực Hà Nội một thời.

Các cô bán siro lựu ở gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1951.

Những gánh hoa bên hồ Hoàn Kiếm. Người bán chủ yếu là các thiếu nữ đến từ làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Các cô hay chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân ngồi thành một dãy. Một thời gian, nhu cầu mua hoa của người Pháp khiến các kiot phục vụ không đủ, hoa bày bán tràn ra đường rồi thành chợ ven hồ Gươm.

Các thực khách đang thưởng thức bên gánh phở dạo ở hồ Hoàn Kiếm. Theo đơn vị tổ chức triển lãm, trước đây, phở thường được bán trên gánh hàng rong. Người bán sẽ gánh chúng ra vỉa hè để bán; một bên quang gánh đựng bát, thìa, đũa, bánh phở, bên kia thì đựng nồi nước nóng hổi. Người bán sẽ treo thêm tảng thịt bò luộc chín khoảng 2 kg bằng lạt ở phía trên.

Khung cảnh họp chợ trước đình làng Bát Tràng.

Một góc gian hàng bày bán bánh chưng, ấm chén, đồ thủy tinh các loại.

Một gánh phở dạo trên vỉa hè. Người gánh hàng rong cân bằng bằng hai đầu đòn gánh, một bên là bếp lò và nồi nấu, một bên là bán đũa, dao nĩa và các đồ gia vị. Nước dùng luôn sôi sùng sục để phục vụ thực khách thưởng thức món phở tái.

Người bán trà, chiếu và sọt tre ở Hà Nội.

Một góc trước cổng chợ Đồng Xuân vào năm 1951. Chợ Đồng Xuân ra đời năm 1889, là nơi buôn bán sầm uất của người dân thủ đô suốt hơn 100 năm qua. Sau khi hoàn thành, chợ chỉ họp hai ngày một phiên, về sau do nhu cầu phát triển thương mại, chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối. Thời kỳ này, các mặt hàng được các tiểu thương buôn bán đa dạng, từ hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, đến hàng vải vóc, máy móc của Pháp, Trung Hoa, Ấn Độ...

Không khí đông vui, nhộn nhịp của chợ Đồng Xuân vào dịp giáp Tết năm 1955. Fanny Gouzou, 35 tuổi, du khách Pháp dự triển lãm - cho biết xúc động vì loạt ảnh gợi lên vẻ đẹp mộc mạc của những phụ nữ bán hàng rong ở Hà Nội giữa thế kỷ 20 dù phải tảo tần mưu sinh để nuôi gia đình. Cô nói sẽ tìm các postcard in những bức hình xưa của Việt Nam làm quà cho bạn bè.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói