Gặp lại nhà báo lão thành Trần Văn Trạc

(Baohatinh.vn) - Một ngày thượng tuần tháng 6, tôi đến thăm nhà báo lão thành Trần Văn Trạc, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh (1972-1983). Đã bước vào tuổi 90 nhưng ông vẫn khỏe mạnh, trí tuệ mẫn tiệp. Chuyện từ những ngày đầu làm báo cách đây gần 55 năm nhưng trong trí nhớ của ông, như mới hôm qua...

Nhà báo lão thành Trần Văn Trạc
Nhà báo lão thành Trần Văn Trạc

Đầu năm 1945, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh thanh niên Trần Văn Trạc tham gia rải truyền đơn ở quê hương Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) để giác ngộ quần chúng đứng lên làm cách mạng. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, anh hăng hái tham gia công tác tại địa phương và năm 1949, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Năm 1960, một bước ngoặt đến với Trần Văn Trạc khi anh được tỉnh chọn cử đi đào tạo lớp cán bộ báo chí tại Trường Đại học Nhân dân (Hà Nội). Học xong, anh trở về công tác tại tờ Tin Hà Tĩnh và ở đây anh đã lập “chiến công” đầu xuất sắc khi bài “Hợp tác xã Phan Đình Phùng - Đại Phong Hà Tĩnh” được tặng giải nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam (1961).

Năm 1962, khi Báo Hà Tĩnh thành lập, Trần Văn Trạc là một trong những cây bút chủ lực. Chuẩn bị cho Báo Hà Tĩnh ra số đầu (2/9/1962), anh được giao viết về đề tài nông nghiệp. Mặc dù trong sổ tay của anh đã có đầy đủ số liệu về vụ chiêm (xuân) cũng như vụ mùa, chỉ cần chấp bút viết khoảng một ngày là xong bài báo. Thế nhưng, Trần Văn Trạc không ngại vất vả, đạp xe về các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc 4-5 ngày... và cuối cùng phát hiện ở Đại Thanh (Đức Thọ) làm vụ lúa hè thu (thời kỳ ấy là rất mới) để viết về cái mới vừa nhú mầm, cổ vũ cho nông dân.

Từ 1962-1971 là phóng viên Báo Hà Tĩnh nhiệt tình, năng động, Trần Văn Trạc đã có mặt ở rất nhiều địa phương trong tỉnh, phản ánh trung thực các hoạt động KT-XH, phát hiện các nhân tố điển hình với nhiều bài báo có sức thuyết phục sâu sắc bạn đọc. Bài “Đội Hòa Lộc - ngôi sao sáng trên công trường Đá Cát” của anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và tặng bằng khen cho đơn vị được bài báo nêu.

Bên cạnh đó, anh còn có 3 bài viết về gương người tốt, việc tốt được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người. Bằng tài năng và nhiệt tình gắn bó với phong trào, gắn bó với quần chúng, Trần Văn Trạc đi sâu, đi sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời phát hiện những mô hình, cung cách làm ăn mới, tư tưởng tiên tiến, từ đó nhân rộng những đốm sáng ấy để góp phần đẩy lùi tiêu cực...

Công việc thực tế vừa là trường đào tạo, vừa là nơi tự đào tạo, Trần Văn Trạc đã nỗ lực vươn lên, trưởng thành. Năm 1972, ông được đề bạt giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh (năm 1976, khi sáp nhập với Báo Nghệ An, ông được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh).

Trưởng thành từ một phóng viên, Trần Văn Trạc làm việc rất nghiêm túc. Ông luôn tự mình và đòi hỏi người khác phải viết đúng văn phạm, đúng chữ nghĩa. Ông thường nói với cán bộ, phóng viên: “Làm báo Đảng phải nhanh nhạy nhưng không vì thế mà viết ẩu. Nhà báo không phải chỉ phê phán những sai trái, tiêu cực mà trước hết, phải chú trọng phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nêu gương cụ thể sinh động để giáo dục, cổ vũ quần chúng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tổ chức các phong trào thi đua hành động cách mạng”.

Tuy công việc rất bận rộn, nhưng Trần Văn Trạc vẫn trực tiếp viết nhiều bài xã luận, bình luận quan trọng, trực tiếp biên tập các bài bình luận, xã luận và phóng sự điều tra. Ông là cây bút bình luận sắc sảo, là tổng biên tập rất nhạy cảm, có nhiều sáng kiến và có tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo nội dung tờ báo. Đội ngũ cán bộ, phóng viên do ông quản lý ngày càng làm tốt hơn chức năng thông tin với bạn đọc, làm cho tờ báo trở thành tiếng nói uy tín của Đảng và chính quyền, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đồng thời báo cũng nêu ra những sai phạm, hành vi sai trái, đấu tranh để giữ gìn kỷ cương, phép nước, lợi ích chân chính của nhân dân, lợi ích của Nhà nước... Chính vì vậy, thời kỳ ông làm Tổng Biên tập, Báo Hà Tĩnh và Báo Nghệ Tĩnh được Ban Tuyên giáo Trung ương và BTV Tỉnh ủy đánh giá cao.

Trần Văn Trạc rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, vì vậy, rất nhiều người trong cơ quan được gửi vào các trường báo chí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để trở thành những cán bộ quản lý, phóng viên giỏi như: Nguyễn Quốc Khanh, Phan Thế Cải v.v... Trong công tác, Trần Văn Trạc là người quản lý nghiêm khắc, cương trực nhưng trong đời thường, ông giàu lòng nhân ái, luôn quan tâm chu đáo, chia sẻ khó khăn với anh chị em cán bộ, phóng viên.

Trên 60 năm tham gia cách mạng, những cống hiến to lớn của ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác. Sắp tới, ông sẽ nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Với các thế hệ làm báo ở tỉnh ta, nhà báo lão thành Trần Văn Trạc không chỉ là vị chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Hà Tĩnh mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh gần gũi, thân thiết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast