Cán bộ không chuyên trách cấp xã ở Hà Tĩnh: kỳ vọng chính sách hỗ trợ khi nghỉ việc

(Baohatinh.vn) - Trước thông tin về việc Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế, trong đó đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do sắp xếp cấp xã, các cán bộ không chuyên trách cấp xã ở Hà Tĩnh bày tỏ vui mừng và gửi gắm nhiều kỳ vọng…

Trong Kết luận số 157-KL/TW ngày 25/5/2025 về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến tiêu chuẩn chức danh công chức xã, phường, đặc khu, kèm theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ đang dự thảo xây dựng Nghị định quy định về tinh giản biên chế thay thế Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, trong đó đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do sắp xếp cấp xã.

bqbht_br_img-0216-copy.jpg
Chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do sắp xếp cấp xã là vô cùng cần thiết.

Trước đó, tại Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã yêu cầu "chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách tại cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn)".

Tại Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025 đã yêu cầu "khẩn trương ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Có thể nói, cán bộ không chuyên trách cấp xã đã và đang là lực lượng giữ vai trò hỗ trợ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, dù không thuộc biên chế chính thức và không hưởng lương theo ngạch bậc, họ vẫn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quản lý hành chính và triển khai chính sách ở cơ sở. Tuy vậy, nhóm đối tượng này vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi về chế độ chính sách, đặc biệt là khi nghỉ việc hoặc nghỉ công tác.

Việc có một chính sách đủ mạnh để hỗ trợ họ khi nghỉ do sắp xếp cấp xã là điều cần thiết. Ngay sau khi có thông tin liên quan đến nội dung này, các cán bộ không chuyên trách cấp xã ở Hà Tĩnh bày tỏ nhiều niềm vui, kỳ vọng về một chính sách phù hợp.

bqbht_br_dsc-9451-copy.jpg
Cán bộ không chuyên trách ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) hầu hết đều được đào tạo bài bản, có số năm cống hiến lâu dài.

Ở tuổi 38, chị Lê Thị Việt Nga (SN 1987) - cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã có gần 14 năm công tác, trải qua nhiều vị trí: cán bộ chăn nuôi thú y, cán bộ Văn phòng UBND phường, cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường. Được đào tạo bài bản từ Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, có quá trình cống hiến lâu dài và đóng góp rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thế nhưng, tới đây khi thực hiện sắp xếp cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, chị Nga cũng như 8 cán bộ không chuyên trách của phường sẽ phải nghỉ việc.

Chị Nga chia sẻ: “Trước đây, các chính sách chỉ tập trung dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhưng nay Trung ương đã có những chỉ đạo liên quan đến xây dựng chế độ cho đội ngũ không chuyên trách khiến chúng tôi rất vui. Tuy vậy, chúng tôi cũng mong muốn, chế độ chính sách được xây dựng cần phù hợp theo từng vị trí việc làm và số năm cống hiến, thay vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Ở độ tuổi này, chúng tôi đi xin việc làm rất khó, vì đơn vị tuyển dụng đều tuyển dụng những người dưới 35 tuổi, vì vậy, nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, chúng tôi còn có thêm động lực để chuyển đổi nghề nghiệp”.

bqbht_br_dsc-9f444.jpg
Dù là cán bộ không chuyên trách nhưng họ đều tham gia làm công việc toàn thời gian, thậm chí cao điểm còn làm việc xuyên ngày lễ, ngày nghỉ.

Cũng như chị Nga, ở phường Nam Hà có 8 cán bộ không chuyên trách bao gồm: văn phòng đảng ủy, phó chủ tịch các tổ chức hội đoàn thể (mặt trận, phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi), phó chỉ huy trưởng quân sự xã sẽ nghỉ việc vào dịp này.

Bà Trịnh Thị Oanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Nam Hà chia sẻ: “Là đội ngũ cán bộ không chuyên trách nhưng họ là những người có năng lực, đa số được đào tạo đại học chính quy, có ý chí phấn đấu và có số năm công tác dài, gắn bó với địa phương. Những trăn trở, tâm tư của đội ngũ này chúng tôi luôn thấu hiểu, chia sẻ. Qua nắm bắt, từ khi có thông tin về việc xây dựng chính sách cho đội ngũ này khi nghỉ việc, các cán bộ không chuyên trách đặt rất nhiều niềm tin về một chính sách đủ mạnh, phù hợp, Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ nhiều trăn trở và mong muốn được ưu tiên bố trí hợp đồng thời vụ ở những vị trí cần, hoặc bố trí công việc phù hợp theo năng lực ở cấp thôn, tổ dân phố”.

“Thời gian không còn nhiều, mong rằng Trung ương sớm ban hành chính sách phù hợp, cụ thể để đội ngũ này có thêm động lực cống hiến vì sự phát triển của các địa phương” - bà Oanh bày tỏ.

bqbht_br_img-0245-copy.jpg
Chị Trần Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phổ, Nghi Xuân đã có hơn 14 năm cống hiến trên nhiều cương vị công tác.

Hơn 14 năm là cán bộ không chuyên trách ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân), trong đó từ năm 2020 đến nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Trần Thị Huệ (SN 1988) vẫn luôn miệt mài, cần mẫn cống hiến. Nói là cán bộ bán chuyên trách nhưng chị Huệ đều làm công việc toàn thời gian, thậm chí cuối tuần cũng bám đồng, bám vườn để triển khai các phong trào, hỗ trợ nông dân… Ở những thời điểm cao điểm công việc, chị Huệ còn hỗ trợ các chức danh khác hoàn thiện các báo cáo, chỉnh lý thu thập hồ sơ… Công việc vất vả và cống hiến lâu năm, chị Huệ mong có chính sách phù hợp cho bản thân và những người đang trong hoàn cảnh như chị.

Chị Huệ chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có chế độ hỗ trợ thôi việc rõ ràng, quy định về mức hỗ trợ tài chính một lần hoặc định kỳ khi cán bộ không chuyên trách nghỉ công tác. Bên cạnh đó, nếu có thời gian công tác dài, chúng tôi mong muốn được công nhận đóng BHXH tự nguyện hoặc có hỗ trợ từ ngân sách để tham gia BHXH. Trong điều kiện phù hợp, các cán bộ không chuyên trách nghỉ việc nên được tạo điều kiện chuyển sang công việc khác trong hệ thống công hoặc các đoàn thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong có chính sách đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm”.

bqbht_br_img-0f231.jpg
Xã Xuân Phổ có đến 9 cán bộ bán chuyên trách, trong đó người ít nhất cũng đã có gần 4 năm công tác, người nhiều nhất có hơn 20 năm công tác.

Không chỉ chị Huệ, ở xã Xuân Phổ có đến 9 cán bộ không chuyên trách, trong đó người ít nhất cũng đã có gần 4 năm công tác, người nhiều nhất có hơn 20 năm công tác. Mong muốn của chị Huệ cũng là mong muốn của đội ngũ này nói riêng và lãnh đạo xã nói chung.

Theo thống kê mới nhất từ Sở Nội vụ, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.678 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Họ là những “cánh tay nối dài” của chính quyền ở cơ sở. Việc xây dựng một chính sách hỗ trợ nghỉ việc hợp lý sẽ không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với đóng góp của họ mà còn tạo động lực để đội ngũ này phát huy năng lực, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.

Chủ đề Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

Đọc thêm

Hà Tĩnh tổng kết 10 năm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Hà Tĩnh tổng kết 10 năm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Chiều 25/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vinh danh gương điển hình tiên tiến, trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm về Hồ Chí Minh.
Lan tỏa tinh thần học Bác trên các lĩnh vực

Lan tỏa tinh thần học Bác trên các lĩnh vực

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng - an ninh.
Học và làm theo Bác - động lực tinh thần phát triển chặng đường mới

Học và làm theo Bác - động lực tinh thần trên chặng đường mới

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Tĩnh được triển khai bài bản, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét, có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đời sống xã hội.
Một góc TP Hà Tĩnh hôm nay nhìn từ trên cao.

Hà Tĩnh in dấu chân Người

Trước khi vượt trùng dương bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu đã đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Hà Tĩnh là một trong những vùng đất đã từng lưu dấu hình ảnh của Người lúc thuở thiếu thời.
Phát huy vai trò người đứng đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số liên thông

Phát huy vai trò người đứng đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số liên thông

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đề nghị người đứng đầu ở Trung ương, địa phương phát huy rõ vai trò với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nhà báo lỗi lạc Hồ Chí Minh

Nhà báo lỗi lạc Hồ Chí Minh

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận ra báo chí là công cụ quan trọng, cần phải dùng báo chí để lên án thực dân và thức tỉnh đấu tranh.