Chiều 23/8, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2024).
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo ngành Văn hóa qua các thời kỳ và đại diện một số sở, ban, ngành cùng dự.
Trong không khí thân mật, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 79 năm hình thành và phát triển của ngành Văn hóa.
Ngày 28/8/1945, trong tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền (tiền thân của Bộ VH-TT&DL ngày nay) được thành lập.
Chặng đường xây dựng và phát triển của ngành luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Năm 1943, Đảng ta ban hành “Đề cương về văn hoá Việt Nam”. Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách mạng và con đường vận động, phát triển của nền văn hoá mới Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với chủ trương “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, các hoạt động văn hóa đã cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều văn nghệ sỹ, các chiến sỹ mặt trận văn hoá đã lên đường vào tiền tuyến, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tiếng hát át tiếng bom”... Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ công tác trong ngành Văn hóa đã anh dũng ngã xuống, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Văn hóa từng bước tự đổi mới phương thức hoạt động, quản lý để phù hợp với tình hình mới, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam một cách toàn diện.
Tại Hà Tĩnh, năm 1991, tỉnh nhà được tái lập, ngành Văn hóa Hà Tĩnh bước vào thời kỳ mới với nhiều thời cơ, thách thức. Biết nhìn thẳng vào những khó khăn, ngành đã chủ động, mạnh dạn tạo ra những bước đột phá quyết liệt, nhanh chóng hòa nhập với xu thế đổi mới của cả nước.
Năm 2008, ngành Văn hóa sáp nhập với ngành Thể dục thể thao, Du lịch và bộ phận gia đình của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, tạo nên một thiết chế đa ngành, đa lĩnh vực.
Kế thừa và phát huy truyền thống, ngành VH-TT&DL luôn cố gắng, nỗ lực, phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, gặt hái được nhiều thành tựu; những người làm văn hóa Hà Tĩnh hoàn thành một cách trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, ngành Văn hóa và Nhân dân Hà Tĩnh đã thể hiện rõ quyết tâm trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Với phương châm “Lãnh đạo làm gương, nhân viên kỷ cương, làm việc có trọng tâm, suy nghĩ và hành động bứt phá”, tập thể cán bộ, nhân viên ngành Văn hóa tiếp tục phát huy truyền thống 79 năm qua, nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng, đồng sức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tập trung triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển văn hoá và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới”...
Tại buổi gặp mặt, đại biểu đã chia sẻ những kỷ niệm trong quá trình hoạt động văn hóa qua các thời kỳ, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa quê hương, dân tộc.
Phát biểu chúc mừng tập thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành đối với sự phát triển của tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin sơ bộ những chủ trương của tỉnh trong việc đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa thời gian tới. Mong muốn cán bộ, công chức, người lao động, những người hoạt động trong ngành Văn hóa tiếp tục phát huy truyền thống, kế thừa những kết quả của các thế hệ đi trước; nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng chung sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững.