Ghi ở Trại giam Xuân Hà

Con đường dẫn đến trại giam của những người lầm lỗi luôn muôn hình vạn trạng. Có kẻ thì do cách sống ngang tàng, hư hỏng, coi thường pháp luật nhưng cũng có những kẻ do bồng bột, thiếu suy nghĩ, lắm khi trại giam chỉ cách ngôi nhà yên bình của gia đình có một câu nói... Đối mặt với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, những người làm công tác giáo dục phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà đã đánh thức mầm thiện trong những người lầm lỗi, cảm hóa để họ làm lại cuộc đời...

Muôn nẻo đường phạm tội

Hoàng Văn Thọ (thôn Xuân Hà – Kỳ Lâm - Kỳ Anh) mới nhập trại ngày 26/8/2013 với bản án 17 năm tù vì tội giết người. Khi được cán bộ trại giam dẫn lên gặp chúng tôi, trên gương mặt của cậu thanh niên 23 tuổi đọng nét u buồn và nỗi hoang mang.

Nhớ lại ngày định mệnh ấy, Thọ kể: “Khoảng 16h ngày 24/12/2012, sau khi dự đám cưới trong làng về, em có ghé qua nhà ông Nguyễn Xuân Huyến chơi. Sau khi dựng xe máy ở ngoài ngõ đi vào đến sân thì em nghe chú họ là Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1982) lúc đó đang ngồi uống rượu với ông Huyến và ông Lê Xuân Năm, nói to: “Ông Văn (bố đẻ Thọ - PV) là đồng bọn với Hoành Sơn”.

Con đường dẫn đến trại giam của những người lầm lỗi luôn muôn hình vạn trạng cũng như nguyên nhân phạm tội luôn xuất hiện muôn hình vạn trạng ở tất cả các lĩnh vực. Ảnh minh họa

Con đường dẫn đến trại giam của những người lầm lỗi luôn muôn hình vạn trạng cũng như nguyên nhân phạm tội luôn xuất hiện muôn hình vạn trạng ở tất cả các lĩnh vực. Ảnh minh họa

Nghe người khác vu oan cho bố mình, em tức quá liền chạy vào nói lại chú Hiếu, 2 bên nói nhau rất căng thẳng. Khi thấy chú Hiếu đứng dậy đi ra ngoài, em nghĩ chú ấy ra lấy hung khí, sẵn lúc đó trong cốp xe có con dao Thái Lan gọt hoa quả, em cũng đi ra mở cốp và giấu vào túi áo ấm trước ngực. Khi em trở lại thì đthấy chú Hiếu ngồi ở bàn và cầm 1 cái đòn gỗ ném thẳng vào em nhưng em tránh được, sau đó chú Hiếu xông vào đánh em, lúc đó em không chạy mà rút dao ra và thấy chú Hiếu gục xuống giữa vũng máu”... 17 năm tù chỉ vì chấp nhặt một câu nói là cái giá quá đắt cho một thanh niên mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời như Thọ khi cướp đi mạng sống của người khác.

Khác với Hoàng Văn Thọ, con đường dẫn đến tù tội của Lương Hữu Tuấn (xóm Mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) là gieo rắc “cái chết trắng”. Tuấn bị Công an TP Hà Tĩnh bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi mua bán chất hêrôin tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong quá trình điều tra, Tuấn khai nhận đã 4 lần thực hiện giao dịch ma túy cho người nghiện trên địa bàn với mục đích kiếm lời để có tiền chích hút. Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh đã tuyên phạt Lương Hữu Tuấn 7 năm 6 tháng tù. Ngày 15/7/2013, Tuấn được đưa đến trại Xuân Hà, qua quá trình được cán bộ giáo dưỡng giáo dục, Tuấn đã nhận thức được sai lầm của mình. Tuấn cho biết: “Tôi biết việc mình làm là có hại cho bản thân, gia đình và xã hội, tôi sẽ cố cải tạo thật tốt để sớm được ra trại”.

Hiện nay, ở trại Xuân Hà có khoảng 1.200 phạm nhân với đủ các loại tội danh, trong đó người Hà Tĩnh chiếm hơn 1/3. Rõ ràng, xã hội ngày càng phát triển thì con đường dẫn đến trại giam cũng muôn hình vạn trạng.

Đánh thức mầm thiện bằng lòng nhân ái

“Về hưu mới hết nợ tù” - câu nói ấy quả không sai. Tận mắt chứng kiến sự vất vả của hơn 200 CBCS công tác tại Trại giam Xuân Hà mới thấy hết được tấm lòng của những người quản giáo. Không ai nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu đêm dài phải căng mắt nhìn xuyên đêm tối, theo dõi từng tiếng động, từng bóng mờ phía các phòng giam...

Đại tá Lê Phi Liên - Giám thị Trại giam Xuân Hà kể: “Đối với những người làm công tác quản giáo, thót tim nhất là vào đêm khuya, đang ngon giấc thì tiếng chuông điện thoại reo. Bởi khi đó, không có phạm nhân trốn trại, gây rối trật tự… thì cũng có phạm nhân phải đi cấp cứu…”. Còn Trung úy Trần Minh Khuê - cán bộ Giáo dục - Hồ sơ cho biết: “Tai nạn và bệnh nghề nghiệp rất dễ xảy ra với anh em quản giáo. Mỗi lần cho tù nhân xuất trại hay nhập trại đều phải khám tù để tránh hiện tượng tù nhân mang giấu những vật cấm vào trại. Nhiều trường hợp phạm nhân giấu kim nhọn, dao lam, dùi... trong người khiến cán bộ quản giáo bị thương, phải làm xét nghiệm HIV. Tỷ lệ cán bộ quản giáo lây bệnh lao và các bệnh da liễu từ phạm nhân không phải là ít”.

Phạm nhân được chụp X.Q để phát hiện sớm các bệnh về lao, phổi... Ảnh: PV

Phạm nhân được chụp X.Q để phát hiện sớm các bệnh về lao, phổi... Ảnh: PV

Ðối mặt với vô vàn phức tạp và áp lực công việc như vậy, nhưng đối với các cán bộ quản giáo thì những điều đó không làm họ “đau đầu” bằng việc phạm nhân chống phá, không chịu cải tạo. Không ít phạm nhân mới vào trại, rất manh động, hung hãn... Thế nhưng, bằng tình thương và trách nhiệm, những người quản giáo nơi đây đã dần cảm hóa để phạm nhân hối cải, quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhớ lại chuỗi ngày cô đơn, tuyệt vọng của mình khi mới vào trại, phạm nhân Nguyễn Đình Lợi (SN 1964, ở Đà Nẵng) vẫn chưa hết rùng mình kể: “Tôi phạm tội buôn bán đồ cổ, đá quý. Lúc mới vào đây, tôi cảm thấy tương lai mờ mịt, vợ và các con lại không vào thăm khiến tôi càng tuyệt vọng. Tôi đã tuyệt thực và nghĩ quẩn nhưng nhờ được cán bộ quản giáo, đặc biệt là Trung úy Trần Minh Khuê động viên, khuyên bảo, tôi đã dần lấy lại tinh thần và nghị lực sống. Hiện tôi đang cố gắng cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.

Vừa dẫn chúng tôi đi gặp các phạm nhân, Trung úy Trần Minh Khuê vừa cho biết: “Phạm Anh Tuấn (nguyên Trưởng BQL bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh) là một trong những phạm nhân khiến tôi phải lui tới hàng chục lần thuyết phục, động viên thì mới lấy lại tinh thần và sức khỏe”. Tiếp xúc với chúng tôi, Phạm Anh Tuấn có ý lảng tránh, không muốn nói về tội lỗi của mình nhưng khi Trung úy Khuê động viên thì mới bắt đầu mở lòng. Nhìn những giọt nước mắt sám hối trên gương mặt khắc khổ của Tuấn, tôi biết Tuấn đã thực sự được cảm hóa!

Ðại tá, Giám thị Lê Phi Liên cho biết: “Trại thường xuyên tổ chức cho phạm nhân học tập tiêu chuẩn thi đua cải tạo, nội quy trại giam, quy định rõ những điều phạm nhân phải làm, được làm và không được làm, phân công mỗi cán bộ quản giáo, cán bộ nghiệp vụ hằng tuần phải gặp gỡ, giáo dục riêng phạm nhân, giúp họ nhận ra lỗi lầm và phấn đấu cải tạo tốt. Bên cạnh đó, trại tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, thu hút đông đảo phạm nhân hăng hái tham gia, giúp họ bớt mặc cảm, tin vào tương lai, phấn đấu cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội”.

Cán bộ Trại giám Xuân Hà dạy nghề cho phạm nhân.

Cán bộ Trại giám Xuân Hà dạy nghề cho phạm nhân.

Trại giam Xuân Hà đã mở nhiều lớp dạy văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân; mở các lớp đào tạo nghề mộc, may mặc, làm bánh mì, sửa chữa điện tử, thêu ren, làm gạch... Nhiều phạm nhân khi trở về với gia đình, đã phấn đấu làm giàu từ nhiều nghề học được tại trại giam. Để giúp đỡ phạm nhân sớm tái hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Trại giam Xuân Hà đã liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh GQVL cho những phạm nhân cải tạo tốt khi ra trại…

Chia tay những người làm công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà, chúng tôi suy nghĩ mãi về điều mà Thiếu tá Nguyễn Thị Thương - Phó đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ nói: “Đối với phạm nhân không chỉ đơn thuần là cán bộ quản giáo mà có những lúc cần phải trở thành những người thân, người bạn biết lắng nghe và thấu hiểu… mới đánh thức mầm thiện trong những người lầm lỗi, cảm hóa để họ làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn”.

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.
Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Trước thực trạng các vụ cháy, nổ liên quan đến thiết bị điện, xe điện có xu hướng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại các hộ gia đình, khu chung cư, nơi tập trung đông dân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có những khuyến cáo PCCC về phương tiện sử dụng pin Li-ion (xe điện).
Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Cận tết, tình trạng xe đường dài Bắc - Nam đón, trả khách trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh TP Hà Tĩnh diễn ra thường xuyên, gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Vụ việc đã rõ, được TAND cấp cao phán quyết, nhưng những tồn đọng trong GPMB dự án xây dựng chợ Bộng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đến nay vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư cũng như tình hình giao thương của người dân.