Chỉ trong buổi tối 19/7 vừa qua, vùng biển Hà Tĩnh liên tiếp chứng kiến những sự cố nghiêm trọng do thời tiết cực đoan gây ra, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm nguy rình rập khi bất chấp thời tiết bất lợi để ra khơi hoặc trải nghiệm du lịch, mặc dù trước đó các phương tiện truyền thông đã đưa tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3. Những sự cố này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn suýt cướp đi sinh mạng của nhiều người. Rõ ràng, sự chủ quan trước thiên tai luôn tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.


Vào khoảng 19 giờ 20 phút ngày 19/7, một cơn giông lốc kèm mưa lớn bất ngờ ập xuống khu vực biển Thiên Cầm (xã Thiên Cầm). Hậu quả là tàu du lịch Nguyễn Ngọc do ông Nguyễn Trọng Hoàng làm chủ khi đang trên đường vào bờ đã không may bị sóng đánh chìm tại khu vực đảo Bớc, cách bờ khoảng 0,5 hải lý. Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 4 thuyền viên và 30 du khách đang tham gia tour câu mực đều đã mặc áo phao và kịp thời nhảy xuống biển chờ cứu hộ.
Ngay lập tức, Đồn Biên phòng Thiên Cầm (BĐBP Hà Tĩnh) đã khẩn trương triển khai lực lượng, phối hợp với chính quyền xã Thiên Cầm và huy động tàu có trọng tải lớn đang hoạt động gần khu vực tàu chìm để tiếp cận hiện trường và ứng cứu kịp thời. Nhờ sự phản ứng nhanh và phối hợp nhịp nhàng, tất cả 34 người trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn.

Cùng thời điểm, một sự cố khác cũng xảy ra tại vùng biển xã Cổ Đạm. Theo đó, vào khoảng 20 giờ ngày 19/7, tàu cá của ông Trương Văn Hồng (SN 1962) và bạn thuyền là ông H.V.M (SN 1968) đều ở thôn Đông Tây, xã Cổ Đạm đang đánh bắt hải sản vùng ven bờ thì gặp phải sóng to, gió lớn đánh lật thuyền, cả 2 rơi cùng rơi xuống biển.
Đến 21 giờ 30 phút, người nhà không thể liên lạc được với các ngư dân trên. Sau đó, huy động phương tiện tàu thuyền đi tìm kiếm và may mắn cứu được ngư dân Trương Văn Hồng khi đang ôm khúc gỗ lênh đênh trên biển, còn ngư dân H.V.M vẫn đang mất tích.


Cũng vào khoảng thời gian trên, anh L.H.C. (SN 1987, trú tại phường Trần Phú), làm nghề xây dựng đã mất tích khi nghi ngờ tắm biển trong điều kiện sóng lớn. Lực lượng chức năng đã tìm thấy tài sản và giấy tờ của nạn nhân sát bãi biển nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy anh C. Vụ việc là lời nhắc nhở đau lòng về sự nguy hiểm của việc tắm biển khi thời tiết xấu, ngay cả khi ở gần bờ.
Các sự cố liên tiếp xảy ra trong một thời điểm ngắn cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là dù đã có những cảnh báo và nỗ lực tuyên truyền nhưng vẫn còn tồn tại tâm lý chủ quan, bất chấp hiểm nguy từ phía một bộ phận người dân và ngư dân. Việc tàu thuyền cố tình nán lại hoặc ra khơi khi có bão, hay việc cá nhân tắm biển trong điều kiện thời tiết xấu không chỉ đặt bản thân vào vòng nguy hiểm mà còn gây áp lực lớn cho lực lượng cứu hộ. Đây là một vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Trung tá Nguyễn Văn Khởi - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm nhận định: “Thời tiết trên biển diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Việc các tàu thuyền cố tình ra khơi hoặc nán lại trên biển khi có cảnh báo là vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn, nhưng vẫn còn một số trường hợp chủ quan để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề”.

Ngư dân Hoàng Văn Bình (xã Thiên Cầm) chia sẻ: “Nghề đi biển vốn đã nhiều hiểm nguy, vào mùa mưa bão rủi ro càng tăng gấp bội. Nhiều khi vì mưu sinh, anh em cũng cố gắng bám biển nhưng sau những vụ việc như vừa rồi, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự cần thiết phải đặt an toàn lên hàng đầu. Một phút lơ là có thể phải trả giá bằng cả tính mạng”.
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 21/7, vùng biển Hà Tĩnh sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; sóng biển cao từ 2,0 - 4,0m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Đặc biệt, từ chiều ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Hà Tĩnh còn chịu ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây và Tây Nam cơn bão số 3 nên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa khu vực phía Nam phổ biến 50 - 100mm, phía Bắc 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.

Do đó, các phương tiện tàu thuyền, đặc biệt là tàu nhỏ và tàu du lịch cần chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn, không ra khơi khi có cảnh báo bão, gió mạnh. Người dân cần tuyệt đối không tắm biển hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển trong những ngày tới để tránh những tai nạn đáng tiếc. Sự chủ động phòng ngừa và tuân thủ các khuyến cáo an toàn sẽ là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trước những diễn biến phức tạp của thiên tai.