Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Nga và một số nước sản xuất dầu khác đã cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017, giúp nâng giá dầu tăng khoảng 15% trong 3 tháng qua - Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc có thể cắt đứt tuyến vận chuyển dầu từ khu vực do người Kurd kiểm soát ở Iraq tới các cảng biển của nước này cũng là một nhân tố đẩy giá dầu tăng cao trong phiên giao dịch đầu tuần.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao tháng 11 tại thị trường London tăng 2,16 USD/thùng, tương đương tăng 3,8%, đạt mức 59,02 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 11 tăng 1,56 USD/thùng, tương đương tăng 3%, đạt mức 52,22 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4.
“Giá dầu tăng vì thị trường cho rằng việc cắt giảm sản lượng đã bắt đầu phát huy tác dụng, và thị trường đang trên đường đi tới tái cân bằng”, ông Gene McGillian, Giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc công ty Tradition Energy ở New York, phát biểu.
Tuy nhiên, những mối lo ngại về sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ vẫn gây sức ép mất giá đối với dầu WTI, khiến loại dầu này tăng giá yếu hơn so với dầu Brent. Vì vậy, chênh lệch giá giữa hai loại dầu bị kéo giãn.
Khoảng cách giữa giá dầu Brent và dầu WTI hiện ở mức 6,61 USD/thùng, mức rộng nhất kể từ tháng 8/2015.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này có thể cắt đứt một đường ống vận chuyển dầu từ khu vực phía Bắc của Iraq ra thị trường toàn cầu, nhằm gia tăng sức ép đối với vùng tự trị của người Kurd sau khi vùng này tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách khỏi Iraq. Chính phủ Iraq không công nhận cuộc trưng cầu dân ý này và đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới ngừng nhập khẩu dầu từ vùng người Kurd nói trên.
“Nếu lời kêu gọi tẩy chay này thành công, thì nguồn cung dầu ra thị trường mỗi ngày sẽ giảm trên 500.000 thùng”, ngân hàng Commerzbank nói trong một báo cáo.Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Nga và một số nước sản xuất dầu khác đã cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017, giúp nâng giá dầu tăng khoảng 15% trong 3 tháng qua.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Kuwait, ông Essam al-Marzouq, nói rằng việc cắt giảm sản lượng đã khiến mức tồn kho dầu trên toàn cầu giảm về mức trung bình của 5 năm, cũng là mục tiêu mà OPEC đề ra.
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, ông al-Marzouq đã chủ trì cuộc họp của ủy ban giám sát cắt giảm sản lượng gồm thành viên là bộ trưởng bộ dầu lửa các nước OPEC và đối tác trong thỏa thuận. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga tuyên bố phải đến tháng 1 năm nay các bên mới có thể quyết định tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 3 hay không. Bộ trưởng các nước khác lại nói một quyết định như vậy có thể được đưa ra trước cuối năm nay.
Iran dự kiến sẽ giữ nguyên mức xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ ở mức khoảng 2,6 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm 2017, một quan chức cấp cao thuộc công ty dầu lửa quốc doanh của nước này cho biết.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nói mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nước này là 100%. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Nigeria nói rằng nước này đang khai thác dầu ở mức thấp hơn hạn ngạch được phân bổ trong OPEC.