Gia nhập ASEAN: Quyết sách lịch sử của Bộ Chính trị

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, hành trình gia nhập ASEAN của Việt Nam đã diễn ra suôn sẻ nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời, của Bộ Chính trị. Đây cũng là dấu ấn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với cả Việt Nam và khu vực, góp phần đưa ASEAN trở thành một trong những hình mẫu hội nhập khu vực đáng tự hào như ngày nay.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967-2017) và 22 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (1995-2017), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ những câu chuyện xung quanh quyết sách lịch sử của Việt Nam gia nhập ASEAN.

gia nhap asean quyet sach lich su cua bo chinh tri

Lễ kéo quốc kỳ Việt Nam ngày 27/8/1995 tại lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Trong ảnh: Đội tiêu binh Brunei chuẩn bị cho lễ kéo quốc kỳ Việt Nam. Nguồn: Cổng thông tin ASEAN Việt Nam.

Tháng 7/1992, các nước ASEAN chủ động mời Việt Nam và Lào tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (lúc này ASEAN mới có 6 thành viên) tại Manila (Philippines) và ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, mở đầu cho quá trình Việt Nam tham gia ASEAN.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, việc ASEAN mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ không phải ngẫu nhiên bởi đó là hành động “đáp lễ”, diễn ra 5 tháng sau khi đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam khi đó do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, dẫn đầu đi thăm các nước ASEAN, đợt thứ nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/1991 và đợt thứ 2 vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2/1992.

Các chuyến thăm với mục đích thông báo về tình hình Việt Nam từ sau ngày thống nhất (1975) và giới thiệu đường lối, chính sách, phương hướng phát triển của Việt Nam, đặc biệt là đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới vừa được thông qua tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam là "đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế", ưu tiên xây dựng quan hệ thân thiện, hợp tác với các nước láng giềng cùng chung khu vực.

Thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo các nước ASEAN đều nhiệt liệt hoanh nghênh đường lối phát triển của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam phát triển để Việt Nam góp phần vào sự phát triển chung của khu vực đúng theo phương châm của ASEAN là "hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển".

Việc mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cũng là hành động hòa dịu nhằm chấm dứt tình trạng khu vực ASEAN chia thành 2 nhóm đối lập giữa một bên là các nước ASEAN, một bên là các nước Đông Dương trong quá trình diễn ra sự kiện Campuchia-một sự kiện kéo dài 15 năm, kết thúc bằng việc ký Hiệp ước chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia cuối tháng 10/1991 tại Paris.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Manila đã thực hiện một nghi lễ đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm để Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam ký vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á. Tiếp đó, Chủ tịch Hội nghị (Bộ trưởng nước chủ nhà Philippines) trịnh trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này, Việt Nam và Lào trở thành quan sát viên của ASEAN”.

Bên lề Hội nghị, Tổng thư ký ASEAN lúc bấy giờ là Ajit Singh, người Malaysia,nói với Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Việt Nam rằng phải 5 năm nữa các bạn mới trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Tuy nhiên, bất ngờ là vào đầu năm 1994, tức là sau một năm rưỡi Việt Nam giữ vai trò quan sát viên, Tổng Thư ký ASEAN đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và nói rằng: “Các nước ASEAN rất mong muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN”, đề nghị nếu Chính phủViệt Nam thấy đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN thì tháng 7 tới (tháng 7/1994), khi dự Hội nghị Bộ trưởng tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thay mặt Chính phủ thông báo với Hội nghị là Việt Nam đã đủ điều kiện để gia nhập ASEAN, Hội nghị sẽ ghi nhận và một năm sau (năm 1995), sẽ tổ chức lễ kết nạp chính thức tại Brunei.

Sau cuộc gặp Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao đã báo cáo với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về gợi ý đó của ASEAN. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị sau đó, Tổng Bí thư đã thông báo cho các thành viên Bộ Chính trị biết về gợi ý của ASEAN.

Sau khi nghe Tổng Bí thư thông báo, một số đồng chí bày tỏ đồng tình, nhưng một vài đồng chí có ý phân vân. Có đồng chí đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là một tổ chức tiếp nối SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á)”?

Để làm rõ vấn đề được Tổng Bí thư yêu cầu, Bộ trưởng Ngoại giao trình bày quan điểm đã báo cáo với Tổng Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được chấp thuận.

gia nhap asean quyet sach lich su cua bo chinh tri

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải sang) và các Bộ trưởng ASEAN tại lễ kết nạp Việt Nam là thành viên ASEAN ngày 28/7/1995. Ảnh: Cổng thông tin ASEAN Việt Nam

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại: “Tôi đã trình bày cặn kẽ các lý do ta nên gia nhập ASEAN. Vì có đồng chí nêu vấn đề SEATO nên tôi phải phân tích rõ hai tổ chức này khác hẳn nhau. SEATO là một tổ chức quân sự có sự tham gia của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Pakistan… còn ASEAN là do đại diện 5 nước Đông Nam Á họp tại Bangkok ra Tuyên bố thành lập với mục tiêu “tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”. Năm nhà sáng lập này còn bày tỏ hy vọng trong một tương lai không xa, tất cả 10 nước Đông Nam Á đều sẽ gia nhập ASEAN”.

Sau khi nghe trình bày, do chương trình cuộc họp còn nhiều vấn đề nên Bộ Chính trị nhất trí giao cho Thường vụ Bộ Chính trị cân nhắc, quyết định.

Nguyên Phó Thủ tưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại: “Buổi sáng hôm tôi lên đường sang Bangkok đến Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Bangkok, Thường vụ Bộ Chính trị đã họp để ra quyết định. Nhưng hôm đó vắng một đồng chí. Sau khi trao đổi phân tích kỹ, những đồng chí có mặt đều nhất trí thông báo với ASEAN là Việt Nam đủ điều kiện và sẵn sàng tham gia ASEAN, đồng thời đồng chí Tổng Bí thư cử một đồng chí đi gặp đồng chí vắng mặt để xin ý kiến và dặn tôi cứ lên đường cho kịp họp, đồng chí sẽ điện sang cho tôi biết.

Chiều hôm đó, tôi đến Bangkok, theo thông lệ, buổi tối có cuộc gặp các Bộ trưởng, nhưng chưa bàn công việc, chỉ thông qua chương trình cuộc họp. Suốt đêm hôm đó, tôi chờ mãi vẫn chưa có điện của Tổng Bí thư, nhưng tôi tin rằng đồng chí vắng mặt cũng nhất trí, nếu đồng chí không có ý kiến thì đa số các đồng chí trong Thường vụ Bộ Chính trị đã tán thành”.

Sáng hôm sau, vừa bắt đầu cuộc họp, Chủ tịch Hội nghị (Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan) nêu vấn đề đầu tiên: Đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết ý kiến Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập ASEAN chưa?

“Lúc đó, mặc dù chưa nhận được điện từ trong nước, tôi đứng dậy vững vàng khẳng định Việt Nam đã cân nhắc kỹ, thấy mình có đủ điều kiện và sẵn sàng gia nhập ASEAN, mong được sự ủng hộ của các bạn, vì nghĩ rằng nếu không trả lời dứt khoát thì mất cơ hội và ASEAN sẽ hiểu nhầm là ta còn chần chừ”.

“Các đại biểu tham dự Hội nghị vỗ tay hoan nghênh và ghi vào biên bản, đồng thời thông báo tháng 7/1995, cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao tại Brunei sẽ tổ chức lễ kết nạp chính thức Việt Nam là thành viên thứ 7 của ASEAN. Chiều hôm đó, đi họp về tôi nhận được điện của Tổng Bí thư viết “Thường vụ nhất trí, anh nói với Hội nghị ta sẵn sàng gia nhập”, nguyên Phó Thủ tướng nói.

Sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng bắt tay vào việc tổ chức bộ máy để chuẩn bị cho việc gia nhập ASEAN là hình thành Vụ ASEAN. Vụ ASEAN có trách nhiệm giúp Bộ Ngoại giao và Chính phủ trong việc gia nhập ASEAN và thực hiện nhiệm vụ của Việt Nam trong ASEAN.

Về đối ngoại, Vụ ASEAN trở thành Ban Thư ký quốc gia của ASEAN làm nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp điều phối hoạt động của các ngành trong hội nhập ASEAN.

Theo nguyên Phó Thủ tướng, đây là bước hội nhập đầu tiên-hội nhập khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Từ hội nhập khu vực, ta tiến lên hội nhập liên khu vực, liên châu lục, tức tham gia tổ chức hợp tác Á-Âu (ASEM), gia nhập Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và cuối cùng hội nhập toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Sau khi gia nhập ASEAN được hơn 2 năm, mặc dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Việt Nam đã chấp nhận gợi ý của các nước ASEAN, quyết định đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 vào năm 1998.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp, đặc biệt, Hội nghị đã thông qua sáng kiến của Việt Nam về Chương trình hoạt động của ASEAN những năm trước mắt, được gọi là“Chương trình hành động Hà Nội”, sau này còn được nêu rất nhiều lần trong các cuộc họp của ASEAN.

Việt Nam còn đề xuất chủ trương “ra sức làm giảm sự cách biệt về trình độ phát triển kinh tế trong ASEAN”, được các nước hoan nghênh. Là một thành viên mới, việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 6 đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp.

Nối tiếp thành công đó, Bộ Ngoại giao được giao trọng trách cao hơn với khối lượng công việc ngày càng lớn hơn và nặng nề hơn như tham mưu, kiến nghị chủ trương, chính sách về những vấn đề quan trọng của ASEAN; đảm nhận chức trách quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN năm 2001;vạch kế hoạch thực hiện bước đầu tầm nhìn ASEAN 2020; góp phần ngay từ ngày đầu (năm 2005) xây dựng Hiến chương ASEAN, hoàn tất soạn thảo năm 2007 và được lãnh đạo các nước ASEAN ký kết tháng 11/2007, có hiệu lực từ tháng 12/2008 (với việc ASEAN công bố Hiến chương 40 năm sau ngày thành lập, ASEAN từ một hiệp hội bình thường trở thành hiệp hội có tư cách pháp nhân); tích cực góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột… đưa ASEAN sang một giai đoạn phát triển mới cao hơn.

Một đóng góp quan trọng của Việt Nam cũng cần nhắc đến là sau khi gia nhập ASEAN tháng 7/1995, nhất là từ sau khi đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, Việt Nam đã tích cực vận động để các nước còn lại gia nhập ASEAN. Kết quả là năm 1997, Lào và Myanmar tham gia ASEAN và năm 1999. Campuchia là nước cuối cùng gia nhập ASEAN, đưa ASEAN trở thành hiệp hội gồm tất cả 10 nước trong khu vực đúng như mong ước của các thành viên sáng lập năm 1967.

gia nhap asean quyet sach lich su cua bo chinh tri

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, tháng 12/1998. Ảnh: Cổng thông tin ASEAN Việt Nam

Trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, vượt kỳ vọng ban đầu, ASEAN đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết, và đặc biệt đã trở thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 - một mô hình hội nhập khu vực được đánh giá rất thành công.

Trong thành công ấy, Việt Nam, với vai trò là thành viên có trách nhiệm, đã có nhiều đóng góp rất tích cực ngay từ ngày đầu gia nhập.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.