Giá nhiên vật liệu liên tục tăng, người tiêu dùng Hà Tĩnh gặp khó

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm tới nay, giá gas, xăng, vật liệu xây dựng liên tục tăng gây khó khăn cho người tiêu dùng, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp Hà Tĩnh trong việc tính toán, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh.

Giá xăng, dầu tăng liên tục làm tăng áp lực cho người tiêu dùng.

Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Liên Bộ Công thương - Tài chính vào ngày 25/2, giá xăng E5 Ron92 tăng 722 đồng/lít, xăng Ron95 tăng 814 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5 Ron92 có giá 17.031 đồng/lít, xăng Ron95 giá 18.084 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong vòng gần 1 năm nay.

Dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 801 đồng/lít, dầu hỏa tăng 702 đồng/lít, dầu mazut tăng 505 đồng/kg. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu diesel đã tăng gần 1.500 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng hơn 1.400 đồng/lít, dầu mazut tăng hơn 850 đồng/kg.

Trong một diễn biến mới, giá xăng dầu vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng và dự kiến vào chiều nay (12/3) sẽ có 1 đợt tăng mới.

Giá thép xây dựng hiện nay là 16,3 - 17 triệu đồng/tấn, tăng hơn 3 triệu đồng/tấn so với trước tháng 10/2020.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các vật liệu xây dựng như thép, xi măng cũng liên tục tăng. Anh Trần Trọng Thìn (xã Cổ Đạm – Nghi Xuân) chia sẻ: “Đầu năm nay, giá sắt thép bắt đầu tăng mạnh. Tôi đang xây nhà, dự tính hết hơn 12 tấn thép. Theo giá thép hiện nay là 16,3 triệu đồng/tấn, do đó, chỉ tính chi phí sắt thép đã hơn 220 triệu đồng, nếu so với mức giá trước tháng 10/2020 thì bị “đội” 50 triệu đồng.

Giá thép tăng cao nên tôi cũng phải tính toán sát sao hơn để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, giá xi măng cũng tăng nhẹ, hiện xi măng cũng đã tăng khoảng 6.000 đồng/tạ. Với số lượng lớn, tính ra chi phí bị tăng lên rất nhiều”.

Vào đầu tháng 3, giá gas bán lẻ trong nước cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 5.000 đồng/bình loại 12kg. Khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn Hà Tĩnh, giá gas hiện nay dao động từ 370.000 – 415.000 đồng/bình 12 kg tùy loại.

Từ đầu năm 2021 tới nay, giá gas bán lẻ đã tăng 3 lần liên tiếp.

Anh Nguyễn Phi Bách – Trưởng trung tâm kinh doanh tổng hợp, thuộc Công ty CP Xăng dầu Hà Tĩnh cho hay: “Giá gas trong nước tăng phụ thuộc theo giá khí đốt trên thị trường thế giới nhập vào Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá gas bán lẻ đã tăng 3 lần liên tiếp. Trước đó, giá nhiên liệu này cũng đã có nhiều kỳ điều chỉnh tăng, đưa giá gas hiện nay ở mức khá cao”.

Giá các loại nhiên, nguyên liệu liên tục tăng trong thời gian qua, cùng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khó khăn trong cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh… Các đơn vị phải “đau đầu” cân đối chi phí phát sinh do giá nhiên liệu tăng để đảm bảo không tăng giá đầu ra và chấp nhận giảm lợi nhuận kinh doanh.

Gas tăng giá khiến chi phí đầu vào của các quán ăn, nhà hàng bị “đội” lên.

Chị Nguyễn Thị Thúy - Chủ nhà hàng cơm chay Nhân Duyên (đường Cao Thắng, TP Hà Tĩnh) cho biết: Nhà hàng sử dụng 100% nhiên liệu gas để nấu chín thực phẩm. Trung bình mỗi tháng tiêu thụ hết 8 - 10 bình gas loại 12kg, tính ra khoảng 3 triệu đồng. Từ cuối năm 2020 tới nay, giá gas tăng liên tục nên chi phí đầu vào cũng bị “đội” lên. Chúng tôi phải cân đối các khoản để giá dịch vụ, món ăn không thay đổi vì nếu tăng đơn giá thì rất dễ mất khách.

Hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu liên tục tăng.

Với chi phí nhiên liệu chiếm từ 30 – 40% chi phí đầu vào cho hoạt động kinh doanh vận tải, các nhà xe đường dài chịu ảnh hưởng không nhỏ trước tác động của giá xăng, dầu “leo thang”.

Chị Phan Thị Lan - nhân viên điều hành nhà xe Phú Quý (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Tiền nhiên liệu cho cả chiều đi và chiều về chuyến Hà Tĩnh – Hà Nội khoảng 3 triệu đồng/xe. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, giá dầu tăng liên tục, hoạt động vận tải hiện nay gặp rất nhiều khó khăn vì khách đi lại ít, trong khi giá vé thì không thể tăng”...

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói