Sau khi rơi xuống thấp nhất 3 năm so với đồng tiền chung và thấp nhất 4 tháng so với yên Nhật trong phiên giao dịch hôm qua, đồng USD đã phục hồi khá nhanh trở lại và vẫn duy trì đà phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch châu Á sáng nay (16/1).
Sự suy yếu của đồng USD trong mấy phiên giao dịch gần đây đã tạo điều kiện để giá vàng tăng tốc bứt phá và đã vượt qua ngưỡng 1.340 USD/oz, tiến sát mức đỉnh 6 tháng trong phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, sự phục hồi của đồng bạc xanh lập tức đã kéo giá vàng quay đầu giảm trở lại.
Hiện giá vàng kỳ hạn tháng 2 đang dừng ở 1.339,7 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng giảm xuống quanh 1.338 USD/oz.
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI trong 7 ngày qua |
Trên thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC, sau khi chạm ngưỡng 37 triệu đồng/lượng - cao nhất 4 tháng - trong phiên hôm qua, cũng quay đầu giảm 40.000 đồng/lượng trong sáng nay. Hiện giá vàng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 260.000 đồng/lượng.
Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay đã giảm cả giá mua và bán vàng SJC 40.000 đồng/lượng xuống còn 36,76 – 36,96 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI thậm chí đã giảm giá bán ra vàng SJC 60.000 đồng/lượng xuống 36,90 triệu đồng/lượng và giảm giá mua vào 30.000 đồng/lượng xuống còn 36,81 triệu đồng/lượng.
Không chỉ thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, hiện khoảng cách giữa giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác cũng được thu hẹp đáng kể. Cụ thể, sáng nay giá vàng Rồng Thăng Long được niêm yết ở mức 36,47 – 36,92 triệu đồng/lượng, có nghĩa giá bán ra vàng Rồng Thăng Long thậm chí còn cao hơn giá bán ra vàng SJC tại DOJI. Giá vàng PNJ cũng được niêm yết ở mức 36,55 – 36,95 triệu đồng/lượng, cũng cao hơn giá bán ra vàng SJC tại DOJI.
Mặc dù giá vàng đang điều chỉnh nhẹ do đồng USD phục hồi, nhưng xu hướng giá vàng trong ngắn hạn vẫn khó đoán định. Hiện thị trường vẫn bị chia rẽ bởi hai luồng quan điểm.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu khi mà các nhà đầu tư ngày càng tự tin kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh hơn kinh tế Mỹ và điều đó sẽ khiến các NHTW lớn khác như NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật (BOJ) sớm thu hẹp chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ của họ. bên cạnh đó, đồng bạc xanh còn chịu thêm áp lực do sự hoài nghi về hiệu quả thực tế của chính sách cắt giảm thuế tại Mỹ.
Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai lại hoàn toàn trái ngược khi cho rằng đồng USD sẽ sớm phục hồi, bởi đà tăng của đồng euro và yên Nhật thời gian qua vốn chỉ dựa vào “ảo ảnh” ECB và BOJ sẽ thu hẹp chính sách kích cầu, trong khi Fed hiện vẫn đang theo sát lộ trình thắt chặt dự kiến của mình, nhất là khi lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại.
Hơn thế, việc đồng tiền chung và yên Nhật mạnh lên cũng gây nhiều lo ngại cho ECB và BOJ, khiến các cơ quan này sẽ phải đắn đo hơn với quyết định thu lại chính sách kích thích của mình.
Thời gian sẽ trả lời rằng quan điểm nào là đúng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá vàng sẽ còn tiếp tục biến động với diễn biến ngược lại so với đồng bạc xanh.