Giá xăng - phép thử cho cuộc “chiến tranh lạnh” của Mỹ với Nga

Trong cuộc đối đầu của Mỹ với Nga, khả năng chịu đựng với giá xăng sẽ là phép thử lớn để quyết định thắng thua.

Thế giới đang thấy hai chiến sự nổi bật. Một là tình hình tại Ukraine với cái giá phải trả là sinh mạng và tàn phá hạ tầng. Còn lại là cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga - mà Wall Street Journal ví von là “chiến tranh lạnh” - với hậu quả là khó khăn kinh tế và lạm phát.

Với Tổng thống Nga Putin, thời gian có thể không đứng về phía ông. Nguyên nhân bởi Mỹ và các đồng minh có lợi thế vượt trội về kiến thức, công nghệ và tài chính. Con đường thắng thế duy nhất của Nga là khiến giá nhiên liệu đủ cao trong ngắn hạn để phương Tây chùn chân trong việc ủng hộ Ukraine.

Những diễn biến gần đây có thể mang lại hy vọng cho Điện Kremlin. Khi cú sốc và nỗi sợ hãi về các lệnh trừng phạt ban đầu của phương Tây đã hết, nền kinh tế Nga bị vùi dập nhưng vẫn chưa sụp đổ. Trong khi đó, phương Tây lại chịu trận và việc Nga siết khí đốt đã khiến chi phí năng lượng tăng mạnh.

Giá cả leo thang khiến vị thế chính trị của các nhà lãnh đạo tại đó bị ảnh hưởng. Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất đa số ghế trong nghị viện vào tay đảng National Rally cực hữu thân thiện với Nga. Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson vừa thua hai cuộc bầu cử phụ.

Tại Mỹ, giá xăng dầu cao đã làm giảm sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Biden và tăng khả năng đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội vào mùa thu này. Những người chỉ trích đã dán lên trụ xăng hình ông Biden với câu: “Tôi đã làm điều đó”.

Dù ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các đảng viên Cộng hòa không ngừng đổ lỗi cho tổng thống về việc giá xăng cao hơn thông qua các chính sách hạn chế nguồn cung, như khai tử đường ống Keystone XL từ Canada.

Trên thực tế, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Nhưng giá mặt hàng này được thiết lập bởi sự cân bằng cung và cầu toàn cầu, vốn đã thắt chặt vào năm ngoái và trở nên tồi tệ hơn từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. JPMorgan ước tính nếu không có cuộc chiến đó, giá dầu Brent sẽ là 90 USD mỗi thùng. Thay vào đó, nó thực tế đã dao động từ 100 đến 128 USD kể từ tháng 2.

Ông Biden muốn người Mỹ coi đây là cái giá của sự đoàn kết với Ukraine. “Với những nghị sĩ Cộng hoà chỉ trích tôi, bạn có chắc là muốn giá xăng tại Mỹ giảm, nhưng đổi lại là Putin sẽ gia tăng quyền lực ở châu Âu không? Tôi không tin đâu”, Biden nói tuần trước. Và một số cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ ủng hộ việc trừng phạt Nga ngay cả khi họ phải trả giá.

Tuy nhiên, trong lịch sử, người Mỹ không ủng hộ tổng thống khi những cú sốc địa chính trị khiến giá dầu tăng. Năm 1973, các nước Ả Rập cấm vận xuất khẩu dầu sang Mỹ như một hình phạt vì đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Kết quả là cuộc khủng hoảng năng lượng, kết hợp với Watergate, đã làm giảm niềm tin của công chúng vào Tổng thống Richard Nixon. Tăng giá sau cuộc cách mạng Iran năm 1979 cũng đã giúp chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter.

Biden càng ở thế khó hơn khi nhậm chức với chương trình nghị sự tập trung vào việc giảm sử dụng dầu và khí đốt, thay vì thúc đẩy nguồn cung. Giờ ông bắt đầu phải xoay trục, như thúc đẩy xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn sang châu Âu và hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia. Nhưng ông vẫn chưa tuyên bố rằng cuộc chiến tranh lạnh mới đòi hỏi một chiến lược năng lượng khác với chiến lược mà ông đã mang đi vận động tranh cử.

Theo WSJ , Biden nên nhìn sang Đức để tham khảo kinh nghiệm, nơi mà chính phủ đã làm được điều đó. Phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, Đức đang cân nhắc phân bổ khí đốt trong mùa đông nếu bị cắt. Điều này đã khiến Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck phải thực hiện các bước dường như không phù hợp với đảng Xanh mà ông đồng lãnh đạo, chẳng hạn như khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và mua khí đốt từ Qatar.

Ông Biden có thể học hỏi được một ít từ Đức nhưng sẽ không nhiều vì còn nhiều áp lực phải giải quyết khác ngoài giá xăng dầu. Tuy nhiên, so với các tổng thống tiền nhiệm, ông đối mặt với cú sốc địa chính trị này với số tài sản lớn hơn nhiều.

Không giống những năm 1970, Mỹ ngày nay là nước xuất khẩu ròng xăng dầu và các sản phẩm liên quan, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Ổn định về chính trị và có trách nhiệm với môi trường, đây là nhân tố quan trọng nhất trong nỗ lực của phương Tây trong việc loại bỏ nguồn năng lượng của Nga.

Trong một báo cáo vào tháng trước, J.P. Morgan đã vạch ra con đường mà Mỹ có thể tăng sản lượng dầu lên 6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2026. Nó sẽ đòi hỏi 400 tỷ USD đầu tư liên bang và nới lỏng các quy định. Dù con đường là không đơn giản nhưng sẽ giúp “đưa Nga xuống hạng trung bình của các nhà sản xuất năng lượng toàn cầu”.

“Chúng ta (Mỹ) chứ không phải Nga, là siêu cường quốc về năng lượng”, Daniel Yergin, Nhà sử học năng lượng và Phó chủ tịch của S&P Global, đánh giá. Ông cho rằng, trong hai hoặc ba năm tới, đòn bẩy của ông Putin sẽ không còn.

Nhưng vấn đề ở chỗ, thách thức đối với ông Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác là xoay xở thế nào trong sáu tháng tới, trong khi ông Putin khai thác đòn bẩy hiện có. Các tài xế Mỹ đang bắt đầu mua ít xăng hơn khi họ cảm thấy gánh nặng kinh tế của mức giá kỷ lục tiếp tục dao động gần 5 USD mỗi gallon (3,78 lít).

Giá xăng - phép thử cho cuộc “chiến tranh lạnh” của Mỹ với Nga

Một tài xế đang đổ xăng ở Mỹ. Ảnh: WSJ

Trong tuần đầu tiên của tháng 6, doanh số bán xăng tại các trạm ở Mỹ đã giảm khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái — tuần thứ 14 liên tiếp doanh số bán hàng đã tụt lại so với mức năm 2021, theo nhà cung cấp dữ liệu năng lượng OPIS.

Tổng thống Biden hôm 29/6 đề xuất Quốc hội đình chỉ thuế xăng và dầu diesel liên bang trong ba tháng, với hy vọng hạ nhiệt giá cả. Nhưng ông Biden không có khả năng tìm thấy đủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp. Một số thành viên đảng Dân chủ đã cùng với đảng viên Cộng hòa lên tiếng phản đối kế hoạch này.

Garrett Golding, Nhà kinh tế tại Fed Dallas, cho biết với áp lực lạm phát đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng lên cao và tiền lương không theo kịp, người tiêu dùng không đủ trang bị để đối phó với tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt kéo dài. Mặc dù kinh tế Mỹ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu giá xăng cao hơn mốc 5,5 USD mỗi gallon thì sẽ không bền vững về dài hạn.

“Đó là lúc mọi thứ bắt đầu đổ vỡ”, ông nói.

Theo Phiên An/WSJ/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.