Sự việc có nguy cơ trở thành một cuộc “khủng hoảng”, làm mất uy tín của tổ chức công này khiến lãnh đạo cấp cao hơn phải vào cuộc… “giải cứu”. Cuộc “giải cứu ca khúc” đã phần nào thành công khi mà chính ông Cục trưởng phải đăng đàn xin lỗi độc giả, gỡ 300 bài hát xuống và nhiều nguồn tin chính thống loan rằng: Ông Cục trưởng bị buộc phải rời ghế.
Biếm họa từ internet
Trở lại vấn đề, như các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin: Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Sau đó, đầu tháng 4/2017, bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù đã được mọi tầng lớp nhân dân say sưa hát bao năm qua và được biểu diễn trong nhiều chương trình chính trị, giao lưu trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn “cấp phép phổ biến” càng làm tăng thêm sự bức xúc của công luận.
Những việc làm "tréo ngoe" của cục này đã gây phản ứng dữ dội của công chúng yêu nhạc và các nhạc sĩ, khiến sau đó, cục này đã phải rút lại quyết định thu hồi 5 bài hát và tổ chức họp kiểm điểm các cá nhân liên quan.
Tưởng rằng sau sự việc, các công bộc liên quan sẽ “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, song chẳng dè sang tháng 5, Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố phổ biến hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến” đã gây ra làn sóng phản ứng vì trong đó nhiều bài hát quen thuộc, đã đi vào lòng công chúng mấy chục thập kỷ như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)... Dư luận tiếp tục được một phen sục sôi.
Hơn 300 ca khúc đã được “giải cứu”, nhưng việc “giải cứu” các công bộc yếu kém (trình độ, năng lực chuyên môn và ý thức về bổn phận của công bộc) mới là gốc rễ, là bài toán khó. Thay vì làm việc vì dân phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định, khơi thông các dòng sáng tạo trong dân… thì họ lại làm việc theo cách thể hiện quyền hạn của mình, máy móc áp dụng các văn bản.
Những công bộc như trên hiện nay không hiếm. Cần phải có một chiến dịch “giải cứu” kịp thời bởi nó đang đi ngược lại với nguyên tắc liêm khiết, kiến tạo, phục vụ mà Chính phủ ta đang hướng tới.