Vỉa than ngầm trong Khu bảo tồn Thiên nhiên núi Burning. Ảnh: Brent Mail
Đám cháy này tồn tại bên dưới núi Wingen (còn gọi là núi Burning), New South Wales, ít nhất đã 5.500 năm. Một số nhà địa chất thậm chí nghi ngờ nó có niên đại tới 500.000 năm.
Những làn khói lưu huỳnh bốc lên từ ngọn lửa âm ỉ dưới lòng đất và thoát ra khỏi bề mặt qua các lỗ thông hơi, theo Cơ quan Công viên Quốc gia và Động vật hoang dã New South Wales. Nhiệt đã nung nóng lớp đất gần đó từ bên dưới, nhuộm cho nó màu đỏ và làm khô héo thực vật trong khoảng 5.000 m2 xung quanh thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên núi Burning.
Núi Burning (núi Cháy) gắn liền với những câu chuyện thần thoại và dân gian địa phương suốt nhiều thế kỷ. Cư dân châu Âu ban đầu thậm chí gọi nó là núi lửa. Nhưng thay vì phun magma, núi Burning lại nhận năng lượng từ một trong nhiều vỉa than trải dài khắp miền đông Australia. Các nhà khoa học cho rằng hàng nghìn năm trước, vỉa than lộ ra trên bề mặt Trái Đất và bùng cháy khi sét đánh. Kể từ đó, một ngọn lửa âm ỉ “ăn dần” vỉa than với tốc độ khoảng một mét mỗi năm. Đám cháy ước tính đang ở độ sâu 30 m dưới lòng đất và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
“Đám cháy ở dưới sâu như vậy thật sự rất khó để dập tắt ngay lúc này. Nếu nó không gây ra vấn đề gì và không bén vào loại than quan trọng về kinh tế, tôi đoán nó sẽ tiếp tục diễn ra”, Bell nói.
Núi Burning là vỉa than cháy tự nhiên duy nhất của Australia. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng nghìn đám cháy than trên khắp thế giới, trong đó có những đám cháy gây ra nhiều rắc rối hơn. Theo nghiên cứu năm 2009 do Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố, những ngọn lửa không thể kiểm soát này giải phóng các chất ô nhiễm không khí độc hại và khiến Mỹ tốn hơn một tỷ USD cho những dự án khắc phục, khoảng 90% chi phí đó thuộc về hai bang Pennsylvania và Tây Virginia.
Theo giải thích của Tina Bell, phó giáo sư về sinh thái lửa tại Đại học Sydney trên Live Science hôm 14/3, lửa có ba thành phần là nhiên liệu, oxy và nguồn nhiệt. Bất cứ thứ gì dễ cháy - từ gỗ, thực vật, đến xăng - đều có thể dùng làm nhiên liệu. Với lượng oxy thích hợp, một nguồn nhiệt có thể kích hoạt phản ứng cháy và khiến các vật liệu trên bùng lửa. Về lý thuyết, nếu cả ba yếu tố này không cạn kiệt thì đám cháy có thể tồn tại vĩnh viễn.
Ở miền đông Australia, ba thành phần này vẫn hoạt động bền bỉ từ thời tiền sử, tạo ra đám cháy lâu nhất được biết đến trên thế giới.
Trong khi đám cháy núi Burning có nguyên nhân tự nhiên, một số đám cháy than khác lại bùng lên do hoạt động của con người. Ví dụ, đám cháy ở Centralia, bang Pennsylvania, tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ sau khi thành phố đốt bãi rác và nhiều khả năng đã châm ngòi cho ngọn lửa dưới lòng đất. Một số đám cháy trong hàng trăm đám cháy than của Trung Quốc hình thành từ hơn một thế kỷ trước và tiêu thụ tổng cộng tới 18 triệu tấn than mỗi năm.