Khó thu từ đất
Phiên đấu giá đất ở xã Phương Mỹ (Hương Khê) vừa qua diễn ra trong không khí ảm đạm, số người có mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại phiên đấu giá này, xã Phương Mỹ có 6 lô đất quy hoạch được đem ra đấu nhưng kết quả, chỉ có 3 lô đất tìm được chủ nhân với giá rất “bèo bọt” – 275 triệu đồng cho cả 3 lô.
Ở xã Phú Gia, việc đấu giá đất cũng không thu hút được khách hàng tham gia. Kết quả, chỉ có 4/10 lô đất được đấu giá thành công với tổng giá bán 159 triệu đồng/lô.
Khu đất quy hoạch gần ga Hương Phố của thị trấn Hương Khê đang hoàn thiện hạ tầng để đưa vào đấu giá đất, dự kiến sẽ tạo nguồn thu từ 5 - 6 tỷ đồng trong những tháng cuối năm
Ông Lê Hồng Liêm - Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Hương Khê cho biết: "Địa bàn huyện miền núi đất rộng, người thưa nên việc quy hoạch bán đất ở địa phương vô cùng khó khăn. Năm 2019, chỉ tiêu thu từ tiền sử dụng đất là 22 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này, huyện mới chỉ thu được hơn 4 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch và bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái".
Trước đó, để tập trung khai thác nguồn thu từ đất, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch phát triển quỹ đất số 29/KH-UBND và tổ chức nhiều cuộc họp bàn, bổ cứu, tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ giao đất, đấu giá đất. Tuy nhiên, các địa phương triển khai thiếu quyết liệt và chưa hiệu quả. Theo đó, toàn huyện có 17 xã, thị trấn có quy hoạch đất theo kế hoạch số 29/KH-UBND nhưng thời điểm này mới chỉ có 6 xã thực hiện có số thu.
Mặc dù các sắc thuế đạt thấp nhưng thu lệ phí trước bạ của Hương Khê lại đạt cao, tăng 20% so với cùng kỳ do người dân mua ô tô khá nhiều. (Trong ảnh: Người dân Hương Khê làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ)
Bên cạnh khoản thu từ tiền sử dụng đất, thu từ tiền thuê đất của Hương Khê cũng chỉ mới đạt 37% kế hoạch. Nguyên nhân ở đây là do trong thời gian vừa qua, không có tổ chức, cá nhân nào thuê đất mới nên không có thuế phát sinh.
Mặt khác, Hương Khê là địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn nên các dự án đầu tư chủ yếu được miễn tiền thuê đất 11 năm đầu. Do vậy, nguồn thu này hết sức hạn chế.
Nhiều sắc thuế đạt thấp
Không chỉ khó thu từ đất, các sắc thuế khác cũng đang đạt thấp như: thuế quốc doanh (đạt 19% kế hoạch và bằng 87% so với cùng kỳ), thuế ngoài quốc doanh (đạt 46% kế hoạch và bằng 65% so với cùng kỳ), thuế thu nhập cá nhân (đạt 46% kế hoạch và bằng 87% so với cùng kỳ), thu phí, lệ phí (đạt 48% kế hoạch và bằng 86% so với cùng kỳ)… Nguyên nhân là do 7 tháng đầu năm, tình hình doanh nghiệp, HTX trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể.
Trên địa bàn Hương Khê hiện còn một số doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản nhưng hoạt động khó khăn nên đóng nộp ngân sách rất hạn hẹp
“Năm nay, Hương Khê có 19 doanh nghiệp có phát sinh thuế tương đối lớn chuyển về tỉnh quản lý. Toàn huyện hiện chỉ có 40/227 doanh nghiệp có kê khai, phát sinh thuế. Lâu nay, nguồn thu của Hương Khê có đóng góp đáng kể từ các doanh nghiệp lâm sản nhưng từ khi Chính phủ Lào có chính sách cấm xuất khẩu gỗ thì nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lâm vào cảnh phá sản, để lại những khoản nợ thuế khó đòi cho đơn vị” – Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Hương Khê Lê Hồng Liêm cho biết thêm.
Trước tình thế khó khăn bủa vây, nhiệm vụ thu ngân sách trong các tháng còn lại của năm 2019 đặt ra hết sức nặng nề cho cả hệ thống chính trị huyện Hương Khê. Vừa qua, Chi cục Thuế huyện Hương Khê đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 3 đoàn công tác đẩy mạnh thu ngân sách ở 22 xã, thị trấn.
Huyện Hương Khê tổ chức họp chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu ngân sách những tháng cuối năm
Ngay trong sáng nay (7/8), huyện Hương Khê đã tổ chức họp triển khai các giải pháp để tăng cường công tác thu ngân sách những tháng cuối năm.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hương Khê Hoàng Công Lý nhấn mạnh: “3 đoàn công tác sẽ do lãnh đạo huyện trực tiếp tham gia chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Từ nay đến cuối năm, cả hệ thống chính trị sẽ phải vào cuộc quyết liệt hơn để thu đạt 70 tỷ đồng theo kế hoạch HĐND huyện giao năm 2019”.