Tối 11/5, lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hà Tĩnh vinh dự có một giải pháp được vinh danh.
Ông Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích (đại diện nhóm tác giả Hà Tĩnh đứng hàng sau, thứ 4 từ phải qua).
Tại lễ tổng kết, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Trưởng ban tổ chức hội thi toàn quốc cho biết: Trong 30 năm (1992 - 2022) với 16 lần tổ chức (2 năm/1 lần), Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã có trên 7.000 giải pháp dự thi và gần 1.000 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Hội thi toàn quốc lần thứ 16 có 53 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia với 552 giải pháp dự thi, trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp và tài nguyên môi trường; y dược; giáo dục và đào tạo.
Ông Đỗ Khoa Văn - Trưởng BTC Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và ông Trần Hoài Đức - Trưởng BTC Hội thi Sáng tạo kỹ thuật huyện Đức Thọ chụp ảnh cùng nhóm tác giả tại buổi lễ.
Trong 84 giải pháp được lựa chọn trao giải lần này có 5 giải nhất, 11 giải nhì, 23 giải ba, 45 giải khuyến khích. Giải pháp “Xe lăn cải tiến” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Hà và Lê Xuân Quảng (Bệnh viện Đa Khoa huyện Đức Thọ) đạt giải khuyến khích lĩnh vực y - dược, vinh dự là một trong các giải pháp được tôn vinh tại lễ tổng kết.
Hình ảnh xe lăn cải tiến.
Tại buổi lễ này, ông Nguyễn Xuân Hùng - Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2021 - 2023). Hội thi sẽ dành nhiều giải thưởng cho những sáng tạo độc đáo, đưa lại hiệu quả ứng dụng cao, đặc biệt là các sáng tạo áp dụng tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và các tài năng sáng tạo trẻ, hứa hẹn sẽ tạo nên một phong trào sáng tạo khoa học mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Trong trường hợp bệnh nhân đang được duy trì thở oxy mà cần thiết phải đi làm cận lâm sàng để phục vụ chẩn đoán bệnh thì bệnh viện phải sử dụng thêm bình oxy, bóp bóng ambu và cần có thêm nhân viên mang theo bình oxy trong suốt quá trình di chuyển. Từ đó, nhóm bác sỹ Nguyễn Thanh Hà và Lê Xuân Quảng ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã nghiên cứu cải tiến xe lăn đồng thời được trang bị bình oxy đi kèm. Xe lăn sau khi được cải tiến vẫn đáp ứng được những ưu điểm như: nhẹ nhàng, gọn, dễ mang theo, gấp lại nhỏ gọn sau khi sử dụng; cho phép người bệnh hoàn toàn không phải vận động. Chi phí cho việc cải tiến một chiếc xe là 150 nghìn đồng. Sáng kiến này đã được thử nghiệm tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ và đưa lại kết quả khả quan khi giảm bớt sức lao động cho nhân viên y tế, giảm sự cồng kềnh thêm dụng cụ đẩy bình oxy và có thể áp dụng vào tất cả các khoa lâm sàng trong bệnh viện. |