Giải phóng Sài Gòn - những ký ức không quên

(Baohatinh.vn) - Với Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, cứ mỗi độ tháng Tư về, lòng bồi hồi xen lẫn bâng khuâng, bởi chính cựu binh quê Hà Tĩnh là người có may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chính quyền về tay quân giải phóng.

Với Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, người cựu chiến binh dạn dày trận mạc, cứ mỗi độ tháng Tư về, lòng bồi hồi xen lẫn bâng khuâng, bởi chính anh là người có may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chính quyền về tay quân giải phóng.

Đúng 17h ngày 26/4/1975, Quân đoàn 2 được lệnh tấn công vào hướng Đông Nam Sài Gòn. Sư đoàn 304 của Hoàng Trọng Tình đánh vào căn cứ Nước Trong là điểm phòng ngự rắn nhất còn lại của địch bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn.

Ròng rã gần 3 ngày đêm, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 mà Hoàng Trọng Tình làm Chính trị viên cùng các đơn vị bạn phải giành giật quyết liệt với địch từng thước đất, căn nhà. Đến 10h sáng ngày 29/4/1975, chúng ta hoàn toàn làm chủ khu vực chiến lược Nước Trong cùng Ngã ba đường 15, sẵn sàng tiến quân vào Sài Gòn.

Giây phút quân giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập. (Nguồn video: qpvn.vn)

Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Trung đoàn 66 của anh là lực lượng chủ yếu nằm trong đội hình thọc sâu gồm cả xe tăng, pháo binh, công binh tấn công vào trung tâm kẻ thù, mà mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập.

Trước sức mạnh triều dâng lũ cuốn của quân ta, xe tăng M113 chở viện binh địch ứng cứu Tổng hành dinh hốt hoảng đâm vào nhau, đâm cả lên vỉa hè, trở thành mục tiêu cho hỏa lực B40, B41 và pháo bắn thẳng của quân ta biến chúng thành những đống sắt vụn. Tăng cháy, quân địch bỏ chạy trong nhao nhác, hỗn loạn vẫn không làm người dân Sài Gòn bận tâm. Bà con mở toang cửa sổ, kéo nhau lên đứng chật ban công các cao ốc. Nhiều người còn tung cả hoa, kẹo bánh xuống xe quân giải phóng. Gần trưa ngày 30/4/1975, lực lượng thọc sâu của quân ta đã vào được tận dinh Tổng thống Ngụy.

Nhân dân Sài Gòn mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh Tư liệu

Trong cuốn sách “Hồi ký KHÔNG TÊN” của nhà báo Lý Quý Chung (tên thật của nhà bình luận thể thao nổi tiếng những năm 70 - Chánh Trinh) đã ghi lại: “Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 304 nhanh chóng luồn lách qua các chướng ngại vật, lao thẳng vào cổng Đài Phát thanh Ngụy. Đài nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện với Cục An ninh quân đội. Khi quân ta tiến vào thì cục này không còn bóng dáng một ai. Đồ đạc, giấy má, tài liệu “mật” ném vung vãi khắp nơi. Tên Đại tá, Cục trưởng trong cơn hoảng loạn, lo sợ quá nên dùng súng giảm thanh tự sát ngay tại phòng làm việc.

Chiếm giữ xong Đài Phát thanh, Hoàng Trọng Tình giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn khu vực đài để chuẩn bị cho Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Mặt khác, anh nhờ bà con đi tìm các nhân viên của đài đang lẩn trốn, trở về vị trí làm việc.

Khoảng 10h40’, ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng T54 của quân giải phóng xuất hiện từ đầu đại lộ Thống Nhất, phía Thảo Cầm Viên. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu, nghị sỹ ra đứng tại tiền sảnh của Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng quân ta trông to lớn, oai vệ xông thẳng vào cổng. Tiếng chân người rầm rập trong sân Dinh xen lẫn tiếng khua vũ khí, tiếng đạn lên nòng. Rồi một tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!”. Đó là tiếng của Trung đoàn phó Nguyễn Xuân Thệ cùng một số sỹ quan ta vừa nhảy từ trên chiếc xe Zep chỉ huy xuống.

11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy. Ảnh tư liệu

Người đầu tiên bước ra khỏi sảnh Dinh là Tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông ta là Thiếu tá chỉ huy lực lượng bảo vệ Hoa Hải Đường, tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh ăn mặc dân sự, quần áo com lê màu sẫm. Vì đã lường trước mọi sự sẽ xẩy ra nên trông ông ta khá bình tĩnh, cùng mọi người lên xe sang phòng thu âm của Đài Phát thanh.

Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, từ căn phòng lịch sử này vang lên lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam của viên Tổng thống ngụy cuối cùng - Đại tướng 4 sao Dương Văn Minh. Cờ cách mạng tung bay ngạo nghễ trên nóc Dinh Tổng thống và các cơ quan, công sở ngụy.

Quân giải phóng áp giải Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. Ảnh tư liệu

Những người lính chúng ta trong những bộ quân phục mới toanh, không kể đơn vị, lạ, quen ôm chầm lấy nhau mà hôn, mà khóc. Những giọt nước mắt cảm động, vui sướng cứ thế tuôn chảy trên các khuôn mặt còn sạm đen khói súng.

“Cảm nghĩ của tôi trong giờ phút thiêng liêng, trọng đại trước chiến thắng vinh quang ấy thật khó tả. Khi đối diện với Tổng thống Dương Văn Minh và chuẩn bị để ông ta đọc tuyên bố đầu hàng, tôi thầm nhớ lại chặng đường chiến đầu đầy khốc liệt, mất mát, hy sinh của Trung đoàn 66 anh hùng với bao đồng đội đã ngã xuống” - Thiếu tá Hoàng Trọng Tình chia sẻ.

Thời khắc đó, Hoàng Trọng Tình lại nhớ đến ngày 16/9/1973, Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Cát-tơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Trị. Tại điểm cao 241 Cam Lộ, khi Phi-đen đứng trên khẩu pháo 175 ly “vua chiến trường” của quân ngụy bị ta thu giữ, tay phất cao lá cờ Quyết thắng, hô to: “Hẹn gặp các đồng chí tại thành phố Sài Gòn”, các anh đầy háo hức, song nghĩ vẫn còn xa vời vợi.

“Trong cuộc đời chinh chiến của mình, có biết bao trận đánh đã đi qua, bao mất mát, hy sinh đã nếm trải, nhưng được trực tiếp chứng kiến một Đại tướng Tổng thống đối phương mặt cúi gầm buồn bã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì chắc cũng chỉ có một lần mà thôi!” - người chiến binh kỳ cựu trải lòng.

Nói đến đây, nước mắt vị tướng chợt trào ra. Anh vội gỡ kính, rút khăn mùi soa lau đi lau lại, nhìn xa xăm vô định. Tôi biết, anh đang nghĩ đến những đồng đội, đồng hương thân thương bao ngày đêm chia ngọt sẻ bùi, như Đại đội trưởng Chung, Chính trị viên Nam người Nghệ Tĩnh, Chính trị viên Diễn người Thanh Hóa… đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, không được cùng anh em chào đón những phút giây lịch sử!

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình chia sẻ với tác giả những ký ức về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.

thiết kế: huy tùng

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói