Napoleon Bonaparte đã suýt thành nhà văn như thế nào?

Có một điều ít biết về Hoàng đế Pháp Napoleon I, đó là ông đã từng có khao khát trở thành một nhà văn, nhưng không thành.

Giờ đây, một bản thảo năm xưa của vị Hoàng đế nổi danh lịch sử sắp xuất hiện trở lại trước công chúng.

Trước khi trở thành vị Hoàng đế cai trị nước Pháp rồi bị lưu đày tới đảo Elba, Napoleon (1769-1821) đã từng có một quãng thời gian ngắn hồi tuổi trẻ thử sức với việc viết lách, ông từng viết một truyện ngắn về một câu chuyện tình diễm lệ. Giờ đây, một phần bản thảo sẽ được đem rao bán đấu giá tại New York, Mỹ, và được kỳ vọng đạt mức 250.000 đô (5,5 tỉ đồng).

napoleon bonaparte da suyt thanh nha van nhu the nao

Napoleon từng viết một truyện ngắn dựa trên một trong những chuyện tình thời tuổi trẻ của chính ông. Truyện ngắn này chỉ dài 22 trang giấy viết tay.

Những người nghiên cứu tiểu sử Napoleon trước nay vẫn biết một chi tiết ít được lưu tâm, đó là ông từng muốn trở thành nhà văn nhưng không thành. Nhà xuất bản Pháp Fayard đã từng xuất bản truyện ngắn do Napoleon sáng tác có tên “Clisson et Eugénie” (Clisson và Eugenie) được biên tập từ những trang bản thảo viết tay khi xưa của Napoleon.

Năm 2007, người ta đã từng đem rao bán đấu giá tại Pháp một trong các trang bản thảo và đạt được mức giá 24.000 euro (hơn 600 triệu đồng), khiến sự hứng thú đối với sự nghiệp viết lách, văn chương của vị hoàng đế càng trở nên thu hút.

Giờ đây, một phần bản thảo của truyện ngắn “Clisson và Eugenie” lại tiếp tục được đem rao bán đấu giá vào ngày 21/9 tới đây tại New York, người ta kỳ vọng rằng với phần bản thảo quan trọng này, mức giá sẽ lên tới 250.000 đô (5,5 tỉ đồng).

Trước nay, những bản thảo viết tay của Napoleon cùng nhiều kỷ vật khác vẫn thường xuất hiện tại các cuộc đấu giá và có thể đạt được những mức giá đáng kinh ngạc, chẳng hạn như một chiếc mũ của ông từng được bán với mức 1,9 triệu euro (47,5 tỉ đồng) hồi năm 2014.

napoleon bonaparte da suyt thanh nha van nhu the nao

Nhìn chung, các nhà sưu tập luôn muốn có được những kỷ vật mang tính biểu tượng của Napoleon. Những trang văn viết tay này cũng là một nét biểu tượng trong hình ảnh của ông bởi trước nay, Napoleon đã được biết tới là một người đàn ông của những lá thư tình biểu tượng.

Đây là một nét đối lập thú vị trong tâm lý, tính cách của Napoleon - một chính trị gia, một nhà quân sự, nhưng cũng là một người đàn ông yêu đương tha thiết.

“Clisson và Eugenie” là truyện ngắn mang phong cách tự truyện, được viết vào mùa thu năm 1795 khi Napoleon vẫn còn đang tìm con đường thăng tiến trong quân đội. Truyện ngắn xoay quanh một quân nhân có tên Clisson, một người đàn ông nhiệt thành, sôi nổi với một trái tim nồng nhiệt, Clisson còn có một trí tuệ uyên bác và một cái đầu lạnh khi cần thiết.

Đã trải qua nhiều trận chiến, Clisson có phần mỏi mệt với chuyện binh đao và quyết định từ giã sự nghiệp nhà binh để tìm tới miền trung nước Pháp, tận hưởng một cuộc sống yên bình. Tại đây, Clisson quen với hai người phụ nữ trẻ, Amelie và Eugenie. Người mà Clisson đem lòng yêu tha thiết (và đầy bi kịch) là Eugenie.

napoleon bonaparte da suyt thanh nha van nhu the nao

Câu chuyện của Napoleon khá nhẹ nhàng và những chi tiết lãng mạn trong truyện cũng khá “dịu dàng”. Chi tiết nóng bỏng nhất xuất hiện trong tác phẩm là khi “trái tim hai người đập dồn dập như muốn nổ tung, những đam mê dữ dội nhất ngập tràn lồng ngực hai con người đang yêu nhau tha thiết”.

Truyện ngắn này chỉ dài 22 trang viết, vì vậy, mạch truyện diễn tiến rất nhanh, chuyển từ tình yêu sang hôn nhân rồi tới bi kịch.

Giống như nhân vật chính, Napoleon khi đó là một thanh niên trẻ 26 tuổi, những đỉnh cao vẫn còn ở phía trước. Thực tế, trong những năm tháng này, Napoleon cũng từng yêu một cô gái có tên Eugenie, đó là nàng Bernardine Eugénie Désirée Clary, là em dâu của người anh trai Joseph.

Hai người họ đã gặp nhau vào mùa hè năm 1794 và có một mối tình qua thư ấm áp nhẹ nhàng. Nhiều người khi đó đã tưởng rằng cặp đôi rồi sẽ đính hôn, nhưng gia đình Eugenie không đồng ý và họ đã chặn đứng những tình cảm mới manh nha, vì vậy, hai bên chính thức dừng mọi thư từ vào tháng 9/1795. Tháng 3 năm sau, Napoleon kết hôn với nàng Joséphine de Beauharnais.

Sau khi viết xong truyện ngắn để “tưởng nhớ” một cuộc tình không thành, Napoleon đã cất bản thảo ở đâu đó, an toàn khỏi bị người khác đọc được, trong khi ông mải miết với những kế hoạch chính trị - quân sự.

napoleon bonaparte da suyt thanh nha van nhu the nao

Napoleon vẫn còn giữ những trang bản thảo này khi ông qua đời trong thời gian lưu đày hồi năm 1821. Sau đó, những trang bản thảo đã bị phân tán, lưu lạc.

Một phần bản thảo dài nhất và quan trọng nhất, với 13 trang viết tay hiện đang nằm tại thư viện Kornik thuộc Viện Khoa học Ba Lan.

Phần bản thảo dài thứ 2 chính là 4 trang bản thảo sắp tới sẽ được đem ra đấu giá. Với 4 trang bản thảo này, người mua sẽ được thấy cặp đôi nhân vật chính đi từ gặp gỡ buổi ban đầu rồi chuyển sang yêu nhau, rồi cưới và ở bên nhau 7 năm như thế nào.

4 trang bản thảo sắp được đấu giá đã đến Mỹ từ năm 1957 sau khi chuyển tay qua nhiều người sưu tầm sách và văn tự cổ. Ngoài ra, còn có 2 trang bản thảo đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga nằm ở Moscow; và 2 trang khác hiện đang trong tay các nhà sưu tập tư nhân.

napoleon bonaparte da suyt thanh nha van nhu the nao

Napoleon vốn đã nổi tiếng với tài viết lách, điều này chủ yếu được thể hiện qua những diễn đạt ấn tượng trong thư từ của ông. Trong cuộc đời mình, Napoleon đã gửi đi và nhận lại khoảng 42.000 lá thư. Để in ấn giới thiệu tới công chúng toàn bộ những lá thư còn lưu giữ được về cuộc đời Napoleon, nhà xuất bản ở Pháp đã phải thực hiện một bộ sách dài 15 tập.

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast