Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy tham dự chương trình.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã tái hiện lại không khí sôi nổi, khẩn trương của buổi đầu xây dựng công trình |
Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Công trình được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976, với lực lượng huy động tới 16 vạn người bao gồm: LLVT của Quân khu 4, Trung đoàn 375, Trung đoàn Phan Đình Giót, Trung đoàn 18... trong đó lực lượng thanh niên chiếm hơn 85%.
Đây là công trình được thi công chủ yếu bằng thủ công kết hợp cơ giới, trong điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ có “mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản”. Với tinh thần thi đua yêu nước, quyết tâm cao và khí thế hừng hực của tuổi trẻ, bằng chiến dịch “thần tốc”, chỉ trong khoảng 11 tháng 6 ngày, đúng ngày 3/2/1977, nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, công trình được chính thức đưa vào sử dụng và đến năm 1979 công trình hoàn thành trước dự tính 3 năm, làm chấn động cả nước.
Hồ Kẻ Gỗ có quy mô lớn thứ hai cả nước lúc bấy giờ, với diện tích lòng hồ hơn 30 km2, dung tích 425 triệu m3 nước. Diện tích lưu vực của hồ là 223km2 với 3 đập phụ, 3 tràn xả lũ. Kênh chính rộng hơn 10m, dài 17,2km, tải lưu lượng 28,2 m3/s; hệ thống kênh nhánh dài 110km; tưới cho 21.136 ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh (nay là TP. Hà Tĩnh) và một phần phía Bắc huyện Kỳ Anh. Công trình có tác dụng chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du; cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sinh hoạt cho người dân trong vùng. Ngoài ra, Hồ Kẻ Gỗ còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, khí hậu, là điểm du lịch hấp dẫn, có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Hà Tĩnh là mảnh đất khô hạn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, việc xây dựng một công trình thủy lợi cung cấp nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống là niềm trăn trở bao đời nay. Việc khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng công trình thủy nông Kẻ Gỗ là một kỳ tích, mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi lễ |
Hồ Kẻ Gỗ đã góp phần phục vụ tưới tiêu cho hơn 21 ngàn ha đất canh tác, biến vùng đất khô cằn, thiếu nước sinh hoạt trở thành vùng đất sản xuất lúa trọng điểm, làm thay đổi hẳn diện mạo nền nông nghiệp và cuộc sống của bà con nhân dân. Quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã tốn biết bao mồ hôi, xương máu của nhân dân Nghệ - Tĩnh. Chính vì vậy, thế hệ hôm nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước đã tham gia xây dựng công trình, vì sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã tái hiện lại không khí sôi nổi, khẩn trương của buổi đầu xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh với nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, đồng thời thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Giao lưu với các vị khách mời |
Trong chương trình, khán giả còn được giao lưu với nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh Lê Quang Úy và Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn, ông Đào Văn Tinh - một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ và em Thủy Tiên - học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Qua đó, khán giả phần nào hiểu thêm về tinh thần và truyền thống cách mạng của lớp thanh niên đi trước; tinh thần xung kích, tình nguyện và kế thừa truyền thống của thế hệ đoàn viên hôm nay.
Một số hình ảnh trong chương trình giao lưu nghệ thuật: