
Cán bộ, nhân viên Đại đội Trinh sát cơ giới (thuộc Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh) được mệnh danh là những “bác sĩ” bắt bệnh cho đội hình xe thiết giáp và súng đại liên PKMS 7,62mm cùng các loại trang bị kỹ thuật khác được biên chế trên xe.
Việc “bắt bệnh”, chăm sóc, bảo dưỡng, kịp thời sửa chữa các sự cố kỹ thuật và hỏng hóc thông thường để “cải lão hoàn đồng” đội hình xe chiến đấu cũ và các loại vũ khí cũng là trách nhiệm, việc làm quen thuộc hằng ngày của bộ đội nơi đây, nhất là vào các “Ngày kỹ thuật” (thứ 6 hằng tuần).
Thiếu tá Nguyễn Văn Hậu - Phó Đại đội trưởng phụ trách kỹ thuật (Đại đội Trinh sát cơ giới) cho biết: “Quá trình bảo quản, bảo dưỡng giúp đơn vị kịp thời phát hiện và khắc phục những hỏng hóc thông thường, bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật cho xe máy, súng đạn và các trang bị kỹ thuật khác. Cùng đó, chúng tôi còn đẩy mạnh ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng, tình trạng kỹ thuật, bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”.

Gần 11 giờ trưa nhưng không khí làm việc của cán bộ, nhân viên Kho K19 (thuộc Phòng Kỹ thuật) vẫn miệt mài. Mặt mũi, chân tay, quần áo của những người lính thợ đều lấm lem dầu mỡ, gỉ sét, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn hăng say, tỷ mẫn bảo quản, bảo dưỡng súng, pháo, đạn dược. Sau khi được “chăm sóc”, các loại vũ khí lại được sắp xếp ngăn nắp, ngay ngắn, đúng quy định, đúng vị trí và vào sổ sách quản lý đầy đủ, chính xác để giúp “dễ thấy, dễ lấy, dễ tìm, dễ bảo quản bảo dưỡng”.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Đậu Bá Xuân - nhân viên bảo quản Kho K19 chia sẻ: “Bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị, đạn dược là công việc rủi ro cao, bảo mật lớn, phải làm thủ công nên mọi công đoạn chúng tôi đều thực hiện rất cẩn trọng, không được xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất. Do đặc thù, tính chất của công việc nên chúng tôi luôn xác định mỗi lần vào ca là một lần vào vị trí chiến đấu. Mọi người cùng quyết tâm, trách nhiệm, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn tuyệt đối về cháy nổ, giúp nâng cao "tuổi thọ" của vũ khí, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị cũng như toàn lực lượng”.

Các đơn vị dân quân ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cũng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ để có vũ khí tốt, dùng bền, an toàn tuyệt đối, nhất là súng AK. Ông Nguyễn Minh Hùng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) cho biết: “Các loại vũ khí, thiết bị được chúng tôi thường xuyên bảo dưỡng, đăng ký số hiệu đầy đủ, luôn thực hiện khóa vòng cò, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích khi có lệnh. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn, dùng tốt, dùng bền, luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ huấn luyện, chiến đấu, tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới”.

Do đặc thù của khối quân sự địa phương nên các đơn vị vũ trang ở Hà Tĩnh đang được biên chế vũ khí, trang bị kỹ thuật khá đa dạng về chủng loại, do nhiều nước sản xuất, đã qua nhiều năm sử dụng, tính đồng bộ và tình trạng kỹ thuật ngày một xuống cấp… Vì vậy, những năm qua, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu gắn với đẩy mạnh phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Đặc biệt, ngành hậu cần – kỹ thuật và các cơ quan, đơn vị đã duy trì nghiêm chế độ “Ngày kỹ thuật”, thực hiện tốt việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng (nhà kho, nhà xe, trạm xưởng và các thiết bị công nghệ) theo hướng chính quy, an toàn, hiệu quả.
Ngoài việc tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, niêm cất, thu hồi hàng nghìn khẩu súng, pháo, khí tài, đạn dược có trong biên chế theo quy trình, đảm bảo quy định, từ năm 2020 đến nay, LLVT Hà Tĩnh cũng đã tuyên truyền, vận động, thu hồi, xử lý hơn 350 khẩu súng, 15 tấn đạn dược, tiêu hủy gần 8 tấn bom mìn, vật liệu nổ...

Đại tá Nguyễn Tú Tài - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới. Theo đó, toàn lực lượng tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng, đồng bộ vũ khí, khí tài, trang bị gắn với đầu tư thiết bị công nghệ cho các kho, trạm, xưởng. Thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, hạn chế thấp nhất sự xuống cấp, hư hỏng, đảm bảo sử dụng lâu bền. Chúng tôi cũng động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tham gia hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng chức năng khác kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng, vũ khí, thiết bị kỹ thuật trong mọi tình huống”.