Khám phá quê hương sẽ giúp những bức tranh về phong cảnh Hà Tĩnh của trẻ sinh động và có hồn hơn.
Chị Nguyễn Thanh Nga (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Suốt cả quãng đời học sinh của mình, tôi biết rất ít về địa chí Hà Tĩnh, mãi đến khi về quê công tác, cùng cơ quan đến một số khu, điểm du lịch, tôi mới hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của quê hương. Khi hiểu, tôi càng yêu và tự hào về đất và người quê ta hơn. Chính vì thế, giờ đây, tôi thường thu thập các tài liệu về địa chí Hà Tĩnh để dạy cho con. Khi con có kiến thức thì mỗi lần đưa con đến các khu di tích trong tỉnh, con sẽ cảm nhận được đầy đủ hơn các giá trị về văn hóa, lịch sử của quê hương”.
Cùng chung tâm sự như chị Nga, chị Phan Thị Anh ở Hương Sơn đã từng rất khó xử khi đưa bạn ở Hà Nội đi tham quan một số di tích trên địa bàn huyện. Đi đến đâu, bạn chị cũng hỏi các thông tin về di tích nhưng chị lại không trả lời được.
Cho con xem các chương trình dư địa chí về Hà Tĩnh cũng là cách nhiều bố mẹ áp dụng nhằm tăng thêm sự hiểu biết và tình yêu của con cái đối với quê hương.
“Lúc đó, tôi xấu hổ vô cùng. Chính mình không hiểu quê hương thì sao có thể giới thiệu với bạn bè được, sao có thể nói tôi tự hào về quê hương tôi được. Từ giây phút ấy, tôi đã tự nhủ mình phải tìm hiểu kỹ hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương. Đặc biệt, khi con bắt đầu lớn, tôi cũng thường đưa con đến các di tích, cảnh quan để kể nhiều câu chuyện giúp con tiếp nhận thông tin một cách sinh động hơn” - chị Anh chia sẻ.
Hiện nay, hầu như ở các trường đều có những hoạt động giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh. Nhiều trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan các khu di tích, lịch sử. Đó là một trong những hoạt động thực sự bổ ích. Rất nhiều ông bố, bà mẹ còn thường xuyên sắp xếp công việc để tham gia cùng con.
“Con tôi đam mê vẽ, chính vì thế, việc bồi đắp tâm hồn cho con là vô cùng quan trọng. Trong những bức tranh vẽ phong cảnh quê hương của cháu, bức nào cháu vẽ với tình yêu, sự hiểu biết thì sẽ có hồn hơn rất nhiều. Chính vì thế, ngoài việc đưa con đi tham quan, dã ngoại, tôi thường xuyên tìm kiếm các loại sách báo về quê hương Hà Tĩnh, mở các chương trình dư địa chí về Hà Tĩnh cho cháu xem để hiểu sâu hơn về các danh nhân, về lịch sử di tích” - anh Lê Nhất ở Thạch Hà cho biết.
Cùng con hoà mình vào thiên nhiên cũng là cách bồi đắp niềm yêu mến, dần dần hình thành nền tảng kiến thức về Hà Tĩnh cho con trẻ.
“Có hiểu quê hương mình thì mới có thể quảng bá với bạn bè, mới có thể tự hào về quê hương và yêu quê hương đúng cách được. Thế nên, ngoài kiến thức được học từ thầy cô, cháu cũng rất thích được cùng bố mẹ đi tham quan, xem các phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, lịch sử Hà Tĩnh”, em Nguyễn Mai Phương - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh) bộc bạch.
Hà Tĩnh đang hướng đến phát triển du lịch nội tỉnh. Việc mỗi người dân tự trang bị kiến thức về địa chí quê hương để có thể trở thành một “tiểu đại sứ du lịch” bất kỳ lúc nào là vô cùng quan trọng. Và thực tế các phụ huynh chăm lo, dạy con các kiến thức về quê hương là một tín hiệu vui đối với sự phát triển du lịch trong tương lai.