Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đó là nghị quyết Số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà Tĩnh thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng trong đợt mưa lớn tháng 10/2020

Nghị quyết nhận định tình hình, nguyên nhân và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong những năm gần đây, đặc biệt là trong tháng 10/2020 trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Huyện Cẩm Xuyên ngập nước sau hoàn lưu bão số 8 (ảnh chụp chiều ngày 21/10) Ảnh Anh Tấn

Theo đó, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây bão lớn, siêu bão, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nắng nóng… với cường độ và tần suất ngày càng lớn. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2010 - 2019, thiên tai đã làm 105 người chết, 344 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong tháng 10/2020, tỉnh ta liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh; tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm 6 người chết; hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã phát huy cao sức mạnh toàn dân, huy động nguồn lực trên từng địa bàn; với sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 4, các doanh nghiệp và sự đồng cảm, sẻ chia, ủng hộ về tinh thần, vật chất của đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí, đã phần nào bù đắp thiệt hại.

Tuy nhiên, những tổn thất do thiên tai gây ra ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống của Nhân dân, đòi hỏi phải có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Khắc phục thiệt hại, hồi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân

Từ đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu chung: huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tại chỗ, khắc phục kịp thời, hiệu quả những thiệt hại do thiên tai gây ra; nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện; đảm bảo an sinh xã hội; khôi phục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chia sẻ khó khăn với bà con Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng sau đợt mưa lũ tháng 10/2020 (Ảnh: Trâm Đức).

Mục tiêu cụ thể:

1. Không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai. Phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2021, đảm bảo 100% gia đình bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra đều có chỗ ở an toàn; những hộ dân có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa kiên cố.

2. Ưu tiên nguồn lực khôi phục ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đảm bảo các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt trở lại hoạt động bình thường trong tháng 11/2020. Huy động các nguồn lực, tập trung khôi phục, sửa chữa nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu bị hư hại như giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực, văn hóa, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân.

3. Có các chính sách hỗ trợ để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là phục hồi sản xuất vụ đông muộn năm 2020, bảo đảm an sinh cho người dân; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhất là giống năng suất cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo vụ xuân và vụ hè - thu năm 2021 giành thắng lợi toàn diện, bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Phấn đấu đến cuối năm 2021, người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt cơ bản được trang bị áo phao cứu sinh; 100% thôn, xóm, tổ dân phố, vùng thường xuyên bị ngập lụt có thuyền nhỏ dân sinh để chủ động ứng phó với lũ, lụt.

Từ nay đến cuối năm 2025, phấn đấu mỗi xã thường xuyên bị ngập lụt xây dựng được 1 - 3 nhà phục vụ cộng đồng cho Nhân dân tránh trú lụt, bão trên cơ sở nâng cấp các nhà văn hóa thôn xóm, trụ sở, trường học hoặc xây dựng mới. Có giải pháp đảm bảo thông tin, liên lạc trong mọi tình huống; tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố phải nhận được thông tin về tình hình trước khi thiên tai xảy ra và thông tin đến tận hộ dân để chủ động ứng phó; hạn chế tới mức thấp nhất việc mất nước sinh hoạt, mạng viễn thông, mất điện khi có thiên tai.

11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm khắc phục thiên tai

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng đoàn kiểm tra, động viên chủ cơ sở lò sấy Nguyễn Xuân Chính (Vượng Lộc, huyện Can Lộc) đã chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân sấy lúa. (Ảnh: Thanh Hoài).

2. Chỉ đạo lập, rà soát các quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng ngập lụt thường xuyên, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Đề ra các giải pháp lâu dài như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, nhất là bảo vệ và tái tạo rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn các hồ chứa lớn để góp phần làm chậm lũ cho các hồ chứa. Rà soát tổng thể, toàn diện việc cấp mỏ đất đá, đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng sạt lở đồi núi.

3. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: nâng cao dung tích phòng lũ các hồ chứa, nâng cấp hệ thống đê điều, các âu thuyền tránh trú bão, nạo vét luồng lạch; xúc tiến đầu tư các dự án mới, nhất là các dự án nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống điện, thông tin, liên lạc, hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai, xây dựng bản đồ các vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở.

4. Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái; địa phương, đơn vị, gia đình khó khăn ít giúp đỡ những địa phương, đơn vị, gia đình khó khăn nhiều, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Các lực lượng hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả thiên tai (Ảnh: Trâm Đức).

5. Khẩn trương đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo khách quan, chính xác, công khai, làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực, thực hiện cứu trợ, chính sách hỗ trợ; có giải pháp huy động các nguồn lực hỗ trợ, khắc phục nhanh và hiệu quả. Trước mắt, cần hỗ trợ khôi phục nhà cửa các gia đình bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng; đảm bảo những người dân bị thiệt hại có chỗ ở an toàn và các điều kiện tối thiểu để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh sau thiên tai, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, hộ bị thiệt hại nặng.

6. Tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh của cả cộng đồng, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể để giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ xuân và vụ hè - thu năm 2021, không để thiếu giống, phân bón và đảm bảo giống có chất lượng tốt.

7. Từng bước khôi phục, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, y tế, công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống điện, thông tin liên lạc, hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai, xây dựng bản đồ ngập lụt cho các vùng thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa lớn; đối với những công trình, dự án đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, Ban Cán sự đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh lập kế hoạch đề nghị Trung ương và các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư xây dựng.

8. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8801/VPCP-NN, ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý tiền, hàng cứu trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân; phân phối kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ.

9. Ban hành chính sách, huy động nguồn lực, sức lao động của Nhân dân, nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho Nhân dân; có chính sách hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo bình ổn thị trường, nhất là giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai để găm hàng, nâng giá, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng. Chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

11. Đồng thời với công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục nắm chắc và dự báo sát tình hình để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai từ nay đến cuối năm 2020 và các năm tiếp theo. Các cấp ủy đảng phải tập trung cao nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết đại hội Đảng các cấp và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021.

Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai theo các cấp độ rủi ro

Trong những năm tới, dự báo biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Kế hoạch số 244-KH/TU, ngày 21/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 303/KH-UBND, ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Xây dựng nhà văn hoá cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ cho Nhân dân là một trong những giải pháp đang được Hà Tĩnh tập trung (Ảnh: Thái Oanh).

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của các cấp, các ngành và mỗi người dân. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt; chủ động quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng, bất ngờ khi thiên tai xảy ra. Chuẩn bị lực lượng cứu hộ phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ động nhanh, kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp. Tổ chức thành lập đội thuyền cứu hộ những vùng dân cư thường xuyên bị ngập lụt do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt. Khi có tình huống lũ lụt khẩn cấp cần có giải pháp để huy động tàu thuyền công suất nhỏ của các ngư dân tham gia công tác cứu hộ.

Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 01 về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020

Người dân xã Hương Thủy (Hương Khê) làm nhà bè để di dời nông sản, ứng phó với lũ lụt... (Ảnh: Dương Chiến).

3. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, phải đảm bảo yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc làm gia tăng rủi ro thiên tai và phải thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền khác nhau. Việc quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện... phải có sự thống nhất giữa các ngành chuyên môn, đảm bảo tuân thủ yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Rà soát quy hoạch phòng, chống thiên tai; quy hoạch, xây dựng hạ tầng, đô thị, nông thôn mới; bố trí, sắp xếp dân cư ở những vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, vùng thường xuyên bị ngập lụt sâu, lũ ống, lũ quét, đảm bảo thích nghi. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung giải pháp chống ngập ở đô thị, các khu dân cư. Xác định các hình thái thời tiết cực đoan, như: siêu bão, mưa lớn liên tục, thời gian dài gây ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn... ngày càng gay gắt để có giải pháp ứng phó phù hợp đối với từng loại hình cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại.

5. Xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp giai đoạn 2021 - 2025 theo các cấp độ rủi ro thiên tai, sát với tình hình cụ thể của các địa phương để chủ động ứng phó. Đặc biệt phải làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, xác định những tình huống cần quan tâm trong điều hành, chỉ đạo như: Công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão; vận hành các hồ chứa nước lớn; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; vùng thường xuyên ngập lụt sâu; vùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Đầu tư trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành, nhất là đối với các tàu thuyền đánh bắt trên biển để chủ động khi có tình huống xảy ra.

Đối với công trình hồ Kẻ Gỗ: Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ, nghiên cứu tổng thể và có giải pháp tăng khả năng phòng lũ của hồ chứa, tăng cường tiêu thoát lũ và giảm ngập lụt cho vùng hạ du trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Căn cứ nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và số liệu khí tượng, thủy văn những năm gần đây để nghiên cứu điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa phù hợp với tình hình; xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt của hồ chứa đối với từng phương án cụ thể, thông báo và hướng dẫn cho người dân hạ du biết để chủ động ứng phó; hạn chế tối đa ngập lụt lớn ở vùng hạ du, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo tuyệt đối an toàn và phát triển bền vững, hiệu quả cho thành phố Hà Tĩnh và các huyện phụ cận.

6. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp. Đặc biệt, chỉ huy phải kịp thời, quyết đoán, linh hoạt, lực lượng phải đảm bảo chất lượng, có sức cơ động nhanh; hậu cần, trang thiết bị, phương tiện phải phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng vùng, địa phương nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả trong mọi tình huống.

Tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, lực lượng ứng cứu có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên trong từng địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Quan tâm đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ trì, chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai.

Tổ chức thực hiện

Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, cân đối, huy động và lồng ghép các nguồn lực; kêu gọi các nhà tài trợ, viện trợ trong và ngoài nước; rà soát dự toán ngân sách năm 2021 trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện nghị quyết. Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm tới và các chính sách hỗ trợ khác.

Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở các nội dung của nghị quyết, căn cứ tình hình cụ thể của địa phương rà soát, điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2021, xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của Nhân dân và chủ động các phương án phòng ngừa hiệu quả thiên tai.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền sâu rộng nghị quyết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và mọi người dân, cùng đồng hành để tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt bão lụt vừa qua; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thiên tai để Nhân dân biết, chủ động ứng phó.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình trong công tác này.

Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên nắm chắc tình hình cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác khắc phục hậu quả thiên tai; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hạn chế, thiếu sót; hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghị quyết được quán triệt đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân.

Toàn văn Nghị quyết số 01-NQ/TU mời xem và tải về tại đây.

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...