Hà Tĩnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - Với sự chủ động của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ trên địa bàn, Hà Tĩnh đã chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Siêu thị Co.opmart tăng nguồn hàng dự trữ trong kho và vận chuyển hàng về liên tục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Là DN tham gia dự trữ hàng hóa và là điểm mua sắm lớn của người dân trên địa bàn, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ hơn 50% để cung ứng ra thị trường, đảm bảo không để thiếu hàng hóa trong các tình huống dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh thông tin: “Lượng hàng trong kho dự trữ được tăng lên và được vận chuyển về liên tục, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường khi nhu cầu tiêu dùng tăng, nhất là các mặt hàng: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gạo, mỳ tôm, nước uống đóng chai, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn…

Giá cả hàng hóa được giữ ổn định, nhiều mặt hàng có chương trình ưu đãi, giảm giá. Đồng thời, để phục vụ người dân mua sắm được an toàn nhất, chúng tôi thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch”.

Người dân mua hàng tại siêu thị Vinmart.

Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng (TP Hà Tĩnh) cũng đã có kế hoạch tăng nguồn hàng, bố trí phương tiện, nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Anh Trần Hùng - quản lý công ty cho biết: “DN có 40 đầu xe với gần 200 nhân viên, chuyên phân phối các mặt hàng như: dầu ăn, nước mắm, mỳ tôm, gạo… cho các cửa hàng kinh doanh trên toàn tỉnh. Hiện nay, công ty đã tăng nguồn hàng lên 20 - 30%; tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ tiêu dùng của người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục có phương án điều chỉnh lượng hàng dự trữ khi cần thiết.

Đối với những địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16), công ty chấp hành đầy đủ các điều kiện về thủ tục và biện pháp phòng dịch theo quy định để cung cấp hàng hóa cho các đại lý”.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng bốc xếp hàng hoá lên xe.

Được biết, Hà Tĩnh có 13 DN tham gia dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Theo ghi nhận, các đơn vị phân phối hàng hóa đều có kế hoạch, phương án dự trữ, tăng nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ đời sống Nhân dân, bình ổn thị trường, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu theo các cấp độ của dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, kế hoạch được xây dựng theo 3 tình huống của dịch bệnh: cấp độ 1, khi tình hình dịch bệnh ổn định, các ca bệnh đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; cấp độ 2, khi áp dụng Chỉ thị 16 tại một số địa phương; cấp độ 3, khi áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh.

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng tiện ích Co.opfood (TP Hà Tĩnh).

Tại thời điểm này, Hà Tĩnh đang thực hiện kịch bản cung ứng hàng hóa ở cấp độ 2. Theo ghi nhận, lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, nhà phân phối… bảo đảm đủ cho nhu cầu người dân trên địa bàn. Tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, lượng nhu yếu phẩm cung cấp đủ đến người dân. Để chủ động việc cung ứng hàng hóa, tỉnh cũng đã dự báo nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng thiết yếu của người dân.

Với nguồn cung từ các DN, điểm phân phối, các cơ sở chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và khả năng tự cung tự cấp từ Nhân dân, nhu cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo trong mọi tình huống.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: Đơn vị thường xuyên phối hợp với các địa phương để theo dõi diễn biến giá cả thị trường, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ và các chợ trên địa bàn đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm; nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là tại các khu vực thực hiện Chỉ thị 16 để có phương án phân phối hàng hóa phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các DN phân phối thực hiện nghiêm phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói