Hà Tĩnh lên kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình mới

(Baohatinh.vn) - Để đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân, Hà Tĩnh đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa theo các cấp độ của dịch bệnh COVID-19, đồng thời xác định nhu cầu tiêu dùng và dự kiến nguồn cung trên địa bàn.

Hà Tĩnh lên kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình mới

Các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở TP Hà Tĩnh vẫn ổn định kể cả trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá tình hình diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và phạm vi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để đánh giá tình hình thị trường, kế hoạch cung ứng hàng hóa được xây dựng theo 3 tình huống của dịch COVID-19, cụ thể: cấp độ 1, khi tình hình dịch bệnh ổn định, các ca bệnh đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; cấp độ 2, khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại một số địa phương; cấp độ 3, khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh.

Hà Tĩnh lên kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình mới

Co.opmart Hà Tĩnh luôn sẵn sàng nguồn cung dồi dào để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Để đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu của Nhân dân, dự báo nhu cầu tiêu thụ một số hàng hóa thiết yếu trên toàn tỉnh trong thời gian 21 ngày là: 7.800 tấn gạo; 4.160 tấn các loại thịt, thủy hải sản của tỉnh; 8.775 tấn rau xanh; 3,9 đến 5,2 triệu quả trứng; 478.500 thùng mì; 819.000 lít dầu ăn; 5.850.000 lít nước uống đóng chai; 5.850.000 khẩu trang…

Về dự kiến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhóm hàng lương thực dự kiến có thể cung ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu của người dân, riêng các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị trên địa bàn có khả năng dự trữ, cung ứng 20-30% nhu cầu toàn tỉnh; còn lại người dân tự cung, tự cấp.

Nhóm hàng thực phẩm tươi sống, dự kiến 6 tháng cuối năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đạt 50.000 tấn, trung bình 8.333 tấn/tháng. Các địa phương cần chủ động điều tiết nguồn hàng hợp lý, cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Các siêu thị trên địa bàn tăng lượng dự trữ thịt hơi lên từ 50% đến 100% so với ngày thường để đáp ứng thêm nhu cầu trong trường hợp cần huy động nguồn hàng gấp cung cấp cho nơi phong tỏa, cách ly khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Hà Tĩnh lên kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình mới

Hàng hoá tại các siêu thị dồi dào, nguồn cung tại chỗ chủ động nên người dân hoàn toàn yên tâm mua sắm.

Nhóm rau xanh các loại, dự kiến sản lượng sản xuất trong tỉnh vụ Hè và vụ Đông là trên 40.000 tấn, đáp ứng 50 - 60% nhu cầu của người dân. Đồng thời, các siêu thị trên địa bàn tăng lượng hàng hóa dự trữ từ 50 - 70% so với ngày thường để đáp ứng thêm nhu cầu người dân khi dịch bệnh xảy ra. Còn lại chủ yếu người dân tự cung tự cấp.

Nhóm trứng gia cầm, dự kiến sản lượng trứng gia cầm 6 tháng cuối năm khoảng 164 triệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; các siêu thị tham gia khai thác, dự trữ hàng để đáp ứng thêm nhu cầu khi số lượng người dân tại các khu cách ly, khu phong tỏa tăng nhanh, nguồn hàng tại chỗ tạm thời không đủ để cung cấp.

Nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng: các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị tham gia dự trữ có khả năng dự trữ từ 10% đến 30% nhu cầu của toàn tỉnh. Do nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm có thời hạn sử dụng dài, các địa phương chỉ đạo các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, các chợ truyền thống trên địa bàn chủ động nguồn hàng dự trữ, có thể đáp ứng nhu cầu còn lại để phục vụ người dân.

Mặt hàng nước uống đóng chai, các doanh nghiệp đầu mối có khả năng dự trữ khoảng 70%; các siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, chuyên doanh có khả năng dự trữ để cung ứng khoảng 25 - 30% lượng nhu cầu của người dân khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn: doanh nghiệp sản xuất và các siêu thị tham gia dự trữ có khả năng đáp ứng 30% nhu cầu toàn tỉnh, còn lại tại các nhà thuốc, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có khả năng dự trữ và cung ứng cho 70% nhu cầu còn lại của người dân.

Nhóm hàng xăng dầu: trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 tổng kho xăng dầu (KKT Vũng Áng và xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân); có 223 hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ được bố trí đều khắp trên 13 huyện, thành phố, thị xã; do đó cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho người dân.

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 140-1.000 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Cùng chiều với giá vàng thế giới, vàng trong nước cũng tăng theo với mức tăng 200.000 đồng, hiện ở mức 84,8 triệu đồng/lượng.