Hà Tĩnh đặt mục tiêu xóa bỏ 20 lối đi tự mở ngang qua đường sắt trong năm 2022

(Baohatinh.vn) - Việc xóa bỏ các lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở Hà Tĩnh góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Hà Tĩnh đặt mục tiêu xóa bỏ 20 lối đi tự mở ngang qua đường sắt trong năm 2022

Lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở thôn 1, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài hơn 70 km, đi qua địa phận 3 huyện: Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Toàn tỉnh có 129 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó chỉ có 28 điểm hợp pháp (12 điểm có gác chắn, 16 điểm cảnh báo tự động), còn 102 điểm là lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), không được cấp phép.

Trong số các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt thì huyện Hương Khê “dẫn đầu” với 61 điểm, huyện Vũ Quang có 26 điểm và Đức Thọ có 15 điểm. Các lối đi tự mở ngang qua đường sắt được hình thành từ nhiều năm, thậm chí hàng chục năm trước.

Không chỉ là đường ngang dân sinh mà nhiều lối ngang tự mở giao cắt với đường sắt còn là lối tắt ra đồng sản xuất nông nghiệp nên dù nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông nhưng việc tuyên truyền, vận động ngời dân xóa bỏ không hề dễ dàng.

Ông Đoàn Mạnh Tường - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và ngành đường sắt, trong năm 2021, Hà Tĩnh đã xóa bỏ được 10 lối đi tự mở ngang qua đường sắt (Hương Khê 3 điểm, Vũ Quang 4 điểm và Đức Thọ 3 điểm). Tính tới thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 92 lối đi tự mở ngang qua đường sắt (Hương Khê 58 điểm, Vũ Quang 22 điểm và Đức Thọ 12 điểm).

Hà Tĩnh đặt mục tiêu xóa bỏ 20 lối đi tự mở ngang qua đường sắt trong năm 2022

Lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở thôn Minh Lạng, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng dẫn tới chết người, đã được xóa bỏ trong năm 2021.

Để thực hiện tốt lộ trình xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở ngang qua đường sắt Bắc - Nam trước năm 2025, các ngành chức năng và địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt để Nhân dân hiểu và tự giác chấp hành.

Phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường sắt giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, quy hoạch hệ thống đường gom, cầu chui, cống chui trên địa bàn các huyện. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn.

Đối với các tuyến đường huyện lộ, liên xã giao cắt với đường sắt mà chưa có hệ thống rào chắn thì các địa phương phối hợp với ngành đường sắt tính toán đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống rào chắn nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông.

Đặc biệt, trong năm 2022, các địa phương đặt mục tiêu xóa bỏ 20 lối đi tự mở ngang qua đường sắt. Trong đó, huyện Hương Khê xóa bỏ 3 điểm, huyện Vũ Quang xóa bỏ 5 điểm, còn huyện Đức Thọ xóa bỏ 12 điểm.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.