Luồng gió mới trong phương pháp dạy học
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng khẳng định: “Giáo dục Hà Tĩnh đang hướng tới mục tiêu đổi mới để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa theo hướng hội nhập quốc tế. Những tồn tại, hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống đã được các nhà trường khắc phục bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả”.
Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc năm học 2017- 2018. Ảnh tư liệu
Đó là đổi mới hình thức tổ chức dạy học, theo hướng chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học ở bậc tiểu học với các chương trình Tiếng Việt công nghệ mới, phương pháp “bàn tay nặn bột”, dạy mỹ thuật theo phương pháp mới, mô hình trường học kết nối; các hoạt động: Dạy học theo hình thức sân khấu hóa, dạy học gắn với di sản, địa chỉ đỏ, làng nghề…
Ở bậc phổ thông, các nhà trường chú trọng phát triển chương trình gắn với vận dụng một số hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến, tích hợp, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, đặc biệt là tăng cường thực hành thí nghiệm và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Từ đó, học sinh dần hình thành lối tư duy độc lập, phát huy tính sáng tạo, mở rộng môi trường giao lưu, học tập. Em Trần Đức Kiên, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) chia sẻ: “Những giờ học đã trở nên cuốn hút, hấp dẫn hơn qua hoạt động tương tác với bạn bè trên khắp các vùng miền và bạn bè nước ngoài qua ứng dụng công nghệ thông tin”.
Trường Tiểu học Thị trấn Thạch Hà tổ chức những tiết học tiếng Anh theo phương pháp mới với sự chủ động, tự tin của học sinh
Luồng gió đổi mới đang làm thay đổi tâm thế mỗi giáo viên, học sinh với những diễn đàn, đối thoại, hoạt động ngoại khóa được tổ chức thường xuyên, vừa truyền thụ kiến thức, vừa “truyền lửa” cảm hứng, giúp các bạn trẻ có thêm tinh thần, ý chí, kiên trì, sự tự tin theo đuổi ước mơ và khám phá nghị lực bản thân.
Xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy hội nhập quốc tế
Tạo môi trường mới để hình thành và phát triển các mô hình trường học theo hướng chuẩn quốc tế, tỉnh đã “mở cửa” cho các nhà đầu tư bằng công tác quy hoạch và các chính sách hỗ trợ. Trường Mầm non Trí Đức, Trường Hội nhập Quốc tế liên cấp iSchool, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein… với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và phương pháp giáo dục hiện đại đang được đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm. Nhiều nhà đầu tư mới cũng đang xúc tiến các dự án xã hội hóa giáo dục trên địa bàn TP Hà Tĩnh để góp phần xây dựng nên thành phố giáo dục trong tương lai không xa.
Các trường tư thục được đầu tư xây dựng hiện đại, giúp học sinh phát triển kỹ năng
Cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT iSchool Hà Tĩnh cho biết: “Điểm khác biệt ở Trường Hội nhập Quốc tế iSchool đó là áp dụng phương pháp giáo dục dựa trên 3 nội dung chính: Dạy học tích cực, kỷ luật tích cực và đánh giá tích cực. Chúng tôi cũng áp dụng chương trình học của Bộ GD&ĐT theo hướng “tinh giản và trọng tâm”. Các môn học được chú trọng dạy tích hợp liên môn, học theo chủ đề, chuyên đề và học theo dự án”.
Theo Thầy Nguyễn Gia Việt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp
Albert Einstein: Trường đặc biệt chú trọng việc xây dựng môi trường tiếng Anh ứng dụng giúp các học sinh thành thạo kỹ năng giao tiếp. Theo đó, việc dạy và học tiếng Anh được thực hiện theo chuẩn đầu ra Cambridge, với lộ trình được xây dựng cho cả chương trình học toàn khóa.
Các mô hình xã hội hóa giáo dục phát triển với phương pháp mới, tư duy mới cũng đã tác động tích cực đến sự đổi thay của hệ thống giáo dục công lập trên vùng đất học. Học hỏi, cạnh tranh và hòa nhập là xu thế tất yếu khi ngành giáo dục đang bước nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trên lộ trình đổi mới, chắp những đôi cánh rộng cho học sinh vùng đất học vươn xa, bay cao hơn trên chặng đường hội nhập quốc tế.