Du lịch Hà Tĩnh chỉ thực sự "cất cánh" khi du khách xem nơi đây là điểm đến để lưu trú thời gian dài (Ảnh: Huy Tùng)
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch
Với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VH-TT&DL, ngay khi kết thúc giãn cách xã hội, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khẩn trương vào cuộc.
Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Cuối tháng 4/2020, sở đã đề xuất lên các cấp, ngành liên quan những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai nhiều cuộc họp với DN nhằm tìm hướng khôi phục hoạt động của ngành du lịch Hà Tĩnh”.
Chia sẻ khó khăn với các DN trong “cơn bão” Covid-19, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh doanh, hoạt động du lịch, như: hỗ trợ giảm chi phí SXKD (giảm 10% giá điện cho các cơ sở lưu trú trong 2 tháng 5 - 6/2020); giảm phí đăng ký DN, phí công bố thông tin DN, phí thẩm định cấp phép lại hoạt động bưu chính...
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch thể hiện qua sự thân thiện, hiếu khách là yếu tố quan trọng trong quảng bá văn hóa, du lịch Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó là những chính sách hỗ trợ tín dụng như: quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh giảm các mức lãi suất ngân hàng; hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh ảnh hưởng dịch Covid-19.... (Tính đến cuối tháng 4/2020, doanh số cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng là các đơn vị kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh, phục hồi hoạt động, kinh doanh là 157 tỷ đồng).
Cùng với các chính sách hỗ trợ ngành du lịch, UBND tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức mang tính chiến lược. Trong đó, chủ trương chung là kích cầu du lịch nội địa - “Hà Tĩnh điểm đến an toàn”.
Tăng cường quảng bá, xây dựng tour, tuyến hấp dẫn
Nắm bắt chủ trương của tỉnh, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã kịp thời đưa ra những kế hoạch, hướng đi phù hợp cho đơn vị mình.
Du khách ngoại tỉnh tham quan hồ Kẻ Gỗ trong tour “Về Hà Tĩnh” của Công ty CP Lữ hành Thành Sen (tháng 5/2020)
Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Chủ trương của tỉnh và sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành đã kịp thời giúp những đơn vị làm du lịch tháo gỡ nhiều khó khăn.
Riêng Công ty CP Lữ hành Thành Sen còn tiến hành xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách như các tour: “Về Hà Tĩnh”, “Ngược dòng sông Ngàn Phố”... Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp với các điểm đến nội tỉnh để hình thành các tour có chất lượng phục vụ cao nhưng giá thành giảm. Hiện tại, chúng tôi đang áp dụng giảm chi phí 40%/tour cho những khách hàng chọn Hà Tĩnh là điểm đến”.
Chịu sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Để kích cầu, ngoài việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ, các cơ sở kinh doanh này còn kết nối với khách hàng tiềm năng để quảng bá và xây dựng tour, tuyến cho riêng mình. Trong đó, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã chủ động giảm giá 15-20% cho các đơn vị lữ hành.
Bà Trần Thị Linh Giang - Giám đốc Khách sạn Đại Bàng (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các DN kinh doanh khách sạn như chúng tôi rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mừng khi trong bối cảnh ảm đạm đó, ngành du lịch Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan đã đồng hành với doanh nghiệp, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chúng tôi có động lực vực dậy công việc kinh doanh của mình”.
Chùa Hương Tích, một trong những địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nằm trong kế hoạch phát triển chiến lược của du lịch Hà Tĩnh.
Không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch bám sát thực tiễn thay đổi tư duy, các địa phương cũng vào cuộc chung tay kích cầu du lịch nội địa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Đến nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương có điểm đến du lịch tăng cường thực hiện công tác vệ sinh môi trường; hỗ trợ tối đa các cơ sở kinh doanh du lịch trong việc giải quyết thủ tục lưu trú, đảm bảo ANTT; tuyên truyền đến mỗi người dân ý thức làm du lịch. Đặc biệt chú trọng thực hiện “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch” nhằm quảng bá nhiều hơn hình ảnh quê hương”.
Tiếp tục xây dựng những giải pháp bền vững
Những giải pháp của tỉnh và sự hỗ trợ của các ngành trong thời gian qua đã giúp các đơn vị kinh doanh du lịch vượt qua khó khăn, tuy nhiên, để du lịch Hà Tĩnh phát triển hơn thì cần có những giải pháp mang tính bền vững.
Ông Đặng Tiến Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh trao đổi: “Hơn 1 tháng hoạt động trở lại sau cách xã hội, du lịch Hà Tĩnh đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan. Nhiều đơn vị lữ hành, điểm đến và cơ sở lưu trú trong tỉnh, lượng khách đã tăng trở lại.
Thậm chí, một số đơn vị lữ hành và kinh doanh khách sạn, lượng khách đã tăng trưởng gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mới là hiệu ứng “đột biến” tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu của người dân sau dịch bệnh”.
Dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2020 không chỉ có ý nghĩa trong phát triển kinh tế nói chung mà còn góp phần kích cầu du lịch Hà Tĩnh.
Từ thực tế đó, một số chuyên gia về lĩnh vực du lịch cho rằng, các yếu tố như chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế… cho doanh nghiệp; giảm giá sâu, tăng cường chất lượng dịch vụ, khuyến mãi tạm thời… cho khách hàng là những yếu tố cần thiết cho kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay.
“Về lâu dài, yếu tố “đủ” để kích cầu du lịch nội địa phải là xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn; nâng cấp chất lượng các dịch vụ liên quan như: tín hiệu viễn thông ổn định, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng…
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tạo môi trường xã hội thân thiện, hiếu khách từ các lực lượng quản lý đến người dân bình thường. Điều cần có nữa là phải có một sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng riêng của Hà Tĩnh. Du lịch Hà Tĩnh chỉ thực sự cất cánh khi du khách xem nơi đây là điểm đến để lưu trú thời gian dài ngày” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du Hồ Việt Anh nhấn mạnh.