Hà Tĩnh kiểm soát các tình huống xấu trước khi bão đến

(Baohatinh.vn) - Đến tối nay (16/7), tất cả các phương án ứng phó với bão số 2 đã được các địa phương, đơn vị Hà Tĩnh hoàn tất, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa bão…

Neo đậu tàu thuyền tại cảng Cửa Sót (Lộc Hà)

Cập nhật mới nhất từ BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến cuối chiều, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh (6.102 phương tiện) với 17.676 lao động đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và vào cập bến tại các khu tránh trú bão, trong đó: 118 thuyền với 840 lao động ở khu vực Thanh Hóa - Hải Phòng - Quảng Ninh; 2 thuyền với 14 lao động ở khu vực Bình Thuận - Vũng Tàu; 25 thuyền với 185 lao động ở khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi; 5.957 thuyền với 16.637 lao động ở khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng BQL Cảng cá Thạch Kim cho biết: “BQL thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và hướng dẫn cho tàu, thuyền vào neo đậu ở Âu tránh bão Thạch Kim. Đến cuối giờ chiều nay, các tàu, thuyền đã được neo đậu an toàn tại đây”.

ĐVTN huyện Nghi Xuân giúp người dân xã Cổ Đạm chằng néo nhà cửa chống bão

Trên địa bàn huyện Nghi Xuân, hiện Âu tránh bão đang trong giai đoạn thi công. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương tuyên truyền và hướng dẫn cho các tàu đến nơi neo đậu an toàn. Thiếu tá Nguyễn Hậu Vĩnh cho biết: “Những tàu cỡ lớn trên 90CV chúng tôi đã hướng dẫn và cho di chuyển sang neo đậu tại Bến Thủy, còn lại neo đậu an toàn trong âu”.

Giúp ngư dân Xuân Liên đưa tàu vào nơi trú ẩn

Trong khi đó, những địa phương nằm trong điểm xung yếu của ngập lụt và lũ quét, lũ ống cũng đã kịp triển khai di dời dân từ trước 17h chiều nay. Theo số liệu mới nhất từ các địa phương, toàn tỉnh đã di dời 2.297 người đến nơi an toàn, trong đó: huyện Lộc Hà 1.127 người, huyện Cẩm Xuyên 40 người, huyện Nghi Xuân 927 người, huyện Thạch Hà 132 người, huyện Kỳ Anh 50 người, thị xã Kỳ Anh 21 người.

Hộ kinh doanh tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) chủ động di dời tài sản tránh bão

Ngoài các huyện ven biển, việc sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng ven biển cũng được các địa phương chủ động triển khai. Chính quyền các địa phương cũng đã yêu cầu tất cả lao động không được ở lại các chòi nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Ngay trong chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã trực tiếp kiểm tra tình hình tại một số điểm trọng yếu. Hiện, tất cả các đầu mối của hồ đập, cống điều tiết và công trình xây dựng cơ bản đều đã được cắt cử cán bộ trực 24/24, sẵn sàng chủ động phương án ứng phó an toàn.

“Cắt cử cán bộ trực 24/24h ở tất cả các hồ, đập trên địa bàn. Chủ đồng điều tiết nước, khi mực nước ở thượng lưu dâng cao hơn hạ du thì cần mở cống xả lũ ngay, không được để sự cố ngập lụt xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu.

Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh chỉ đạo bảo vệ tuyến đê biển Kỳ Ninh

Trong chiều nay, hơn 2.000 lượt ĐVTN vùng biển từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh đã giúp ngư dân đưa thuyền về nơi an toàn; chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc. Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn cho biết: “Tỉnh đoàn đã thành lập hai tổ công tác do bí thư và phó bí thư về làm việc với các huyện và triển khai chuẩn bị quân tình nguyện đến tận các xã, thôn. Mỗi thôn ít nhất có một đội tình nguyện trên 10 đoàn viên tham gia. Mỗi xã trung bình từ 50-70 ĐVTN. Đây là lực lượng nòng cốt để giúp dân ứng cứu trước khi bão vào và khắc phục sau khi bão đi qua. Tuổi trẻ chúng tôi sẽ sát cánh cùng bà con nhân dân để ứng phó, khắc phục có hiệu quả với cơn bão bất thường này”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói