Dù là xe hợp đồng nhưng nhà xe T.A (TX Kỳ Anh) lại cố tình chạy tuyến cố định từ Hà Tĩnh đi Hà Nội và ngược lại.
Lúc 20h ngày 6/10, Đội Thanh tra chuyên ngành số 1 - Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh phối hợp với Đội CSGT – TT Công an TX Kỳ Anh tiến hành tuần tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên các tuyến giao thông ở TX Kỳ Anh.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên tuyến QL1 chạy qua trung tâm TX Kỳ Anh, lực lượng liên ngành phát hiện xe ô tô khách mang biển số Hà Nội của nhà xe T.A – đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng nhưng lại gắn biển về hành trình di chuyển Hà Nội – Giáp Bát – Mỹ Đình và có hoạt động dừng đón khách đã đặt chỗ trước, không khác xe khách chạy tuyến cố định.
Phát hiện tổ liên ngành, tài xế đã điều khiển phương tiện di chuyển vào tuyến đường nội thị ở phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) để trốn tránh. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của lực lượng chức năng, tài xế buộc phải chấp hành việc kiểm tra.
Lực lượng liên ngành đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lỗi ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách, nhiều người thuê vận tải khác nhau đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với tài xế và chủ phương tiện.
Với lỗi vi phạm này, tài xế bị phạt tiền 1 – 2 triệu đồng, chủ xe bị phạt 4 – 6 triệu đồng.
Vào ngày 3/10, nhà xe T.A cũng đã bị lập biên bản do “trá hình” tuyến cố định.
Trước đó 3 ngày, một phương tiện khác mang biển số Hà Nội của nhà xe T.A cũng đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gom khách, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Với lỗi vi phạm nêu trên, tài xế bị phạt 1 – 2 triệu đồng, chủ phương tiện bị phạt 4 – 6 triệu đồng. Phương tiện vi phạm của nhà xe T.A còn bị tước phù hiệu 1 – 3 tháng.
Ngoài nhà xe T.A tại TX Kỳ Anh, tình trạng doanh nghiệp vận tải hành khách “gắn mác” chạy hợp đồng nhưng thực tế là đón trả khách không khác tuyến cố định xuất hiện khá nhiều trên các địa bàn ở Hà Tĩnh.
Nhà xe N.C (TP Hà Tĩnh) đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng lại hoạt động như tuyến cố định với hành trình Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 17 nhà xe với 50 đầu phương tiện đăng ký vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng lại hoạt động như tuyến cố định. Những nhà xe này chủ yếu chạy tuyến Hà Tĩnh đi/về các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
“Trong khi các nhà xe tuyến cố định phải vào bến, chạy theo luồng, tuyến rất nghiêm ngặt thì xe hợp đồng lại tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh được nhiều loại thuế, phí. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải mà còn khiến các nhà xe tuyến cố định đối mặt với nhiều khó khăn”, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ cho hay.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn tới tình trạng xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định hoạt động ở Hà Tĩnh, bên cạnh ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe chưa cao thì các nhà xe này do Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu, dẫn tới khó khăn trong quản lý, xác định vi phạm.
Đơn cử như việc họ tên hành khách đi xe thường do lái xe tự ghi vào danh sách, trong khi lực lượng tuần tra không nắm được hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách khi nhà xe chỉ gửi cho Sở GTVT nơi cấp phù hiệu nên không có căn cứ xử lý lỗi vi phạm về danh sách hợp đồng.
Sở GTVT Hà Tĩnh không có mật khẩu đăng nhập để khai thác dữ liệu giám sát hành trình của các phương tiện mà Sở GTVT khác cấp phù hiệu, vì thế, không có căn cứ để xác định lỗi vi phạm, không có thẩm quyền để xử lý xe thuộc tỉnh, thành phố khác quản lý (vi phạm quá 30% tổng số chuyến trong tháng hoặc thời gian hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh trên 70% trong 1 tháng).
Nhà xe H.B (Thạch Hà) lắp biển, bảng quảng cáo lộ trình di chuyển cụ thể, trái với quy định vận tải hành khách theo hợp đồng mà nhà xe đã đăng ký hoạt động.
Với quyết tâm lập lại trật tự hoạt động vận tải, tạo bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải khách, đảm bảo ANTT, ATGT và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT và Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định.
Từ 2/9 tới nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh bố trí lực lượng cùng với Công các địa phương thực hiện việc tuần tra kiểm soát, xử lý xe hợp đồng vi phạm trong vận chuyển hành khách.
Ông Bùi Anh Tuấn – Đội Thanh tra chuyên ngành số 1 (Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay: Thực hiện chỉ đạo của đơn vị, đội đã tích cực phối hợp với Đội CSGT – TT Công an các địa phương Thạch Hà, Hương Khê, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, tiến hành tuần tra, xử lý xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định.
Thanh tra Giao thông phối hợp với Đội CSGT - TT Công an huyện Hương Khê kiểm tra, xử lý nhà xe hợp đồng H.H (Hương Khê) “trá hình” tuyến cố định.
Để việc xử lý đạt hiệu quả, tổ liên ngành đã “lên danh sách” những nhà xe có dấu hiệu vi phạm và bố trí lực lượng kiểm tra đột xuất. Với cách làm bài bản, chỉ trong thời gian ngắn, Thanh tra Sở GTVT cùng Công an các địa phương đã xử lý hàng hoạt nhà xe hợp đồng trá hình tuyến cố định như: nhà xe T.A ở TX Kỳ Anh, nhà xe H.B ở Thạch Hà, nhà xe N.C và A.T ở TP Hà Tĩnh, nhà xe H.H ở Hương Khê, nhà xe T.T ở Cẩm Xuyên...
Với các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ xe, tài xế, tước phù hiệu có thời hạn với phương tiện vi phạm. Quá trình xử phạt, khi được tuyên truyền, giải thích, nhà xe ký cam kết chấp hành quy định trong vận tải hành khách, đưa xe vào hoạt động tuyến cố định.
Chủ nhà xe H.B ký cam kết chấp hành pháp luật trong vận tải hành khách, đưa xe vào bến bãi hoạt động tuyến cố định.
Đại tá Đặng Hoài Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay: Thời gian tới đây, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng CSGT, Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, xử lý các nhà xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định trên địa bàn tỉnh. Đối với các nhà xe đã bị lập biên bản xử phạt, nếu còn tái phạm sẽ tổng hợp, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan để đưa ra mức xử phạt phù hợp, thậm chí là tước phù hiệu xe vi phạm.